Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 71749
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Khẩn cấp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam (12/09/2018)

         Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc rất nguy hiểm, khả năng lây lan cao. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỉ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh 3-15 ngày, ở thể cấp tính, thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Virus dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Do vậy, nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Hiện nay, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.

Theo Cục Thú y, dịch tả lợn châu Phi khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh. Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, cần:

- Tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại gia đình, nếu nghi ngờ đàn lợn liên quan đến dịch tả lợn châu Phi thì cần lấy mẫu gửi đến chi cục thú y vùng quản lý địa bàn để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

- Không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; không mua bán lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.

- Đặc biệt, công tác vệ sinh thú y phải đặt lên hàng đầu, luôn giữ gìn môi trường sạch sẽ và tuân thủ các quy định về tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam