Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11172
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Không nên đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch (30/06/2014)

Hiện nay đang vào mùa thu hoạch lúa Ðông Xuân, chuẩn bị sản xuất vụ Mùa. Nhiều bà con nông dân đã tổ chức đốt rơm rạ ngay trên đồng sau khi thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái đất sản xuất.

Nhiều bà con cho rằng, việc đốt đồng mang lại nhiều cái lợi. Trước tiên là không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch; đồng thời, tiêu diệt được mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại mọc trên đồng ruộng. Ngoài ra, còn tạo một lượng tro làm phân bón trả lại cho đất…

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, phần gây hại do việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng lớn hơn gấp nhiều lần so với lợi ích mà nó mang lại. Trước hết, khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ, nên tro của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi đó, việc đốt đồng sẽ làm một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng bị khô kiệt. Nếu đốt đồng nhiều lần sẽ làm cho đất bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn.

Một tác hại khác của đốt đồng là gây ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, khi đốt rơm rạ trên đồng, không chỉ có khí CO2 hòa vào không khí, mà các khí độc khác như CH4 (mê-tan), CO và một ít khí SO2, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Hơn nữa, thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính, khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, con người hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo, đốt đồng còn là một sự lãng phí lớn, bỏ đi nguồn dinh dưỡng lớn có trong đất. Theo tính toán, mỗi héc ta đất trồng lúa với năng suất bình quân là 6-7 tấn/vụ, thì sẽ lấy đi trong đất một lượng đạm khoảng 60-70kg, lượng lân 35kg và lượng kali 150 kg. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa, nên cần trả lại cho đất thông qua việc xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ để bón. Bên cạnh đó, việc đốt đồng còn tiêu diệt các loại thiên địch có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái, một trong những nguyên nhân gây phát sinh sâu bệnh trên đồng ruộng.

Để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch một cách hợp lý, bà con nông dân nên mang hết rơm rạ ra khỏi ruộng để trồng nấm nhằm tăng thêm thu nhập. Những bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm, có thể dùng làm phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đồng ruộng. Một biện pháp khác cũng được khuyến cáo thực hiện là sử dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò. Có thể cho gia súc ăn rơm khô hoặc ủ với  4-5% urê để làm tăng khả năng tiêu hóa. Sau đó sử dụng nguồn phân chuồng ủ hoai bón lại đồng ruộng.

Ngoài ra, bà con có thể ủ rơm rạ tại đồng ruộng để bón lại cho đất. Để rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, bà con có thể dùng chế phẩm Trico phun lên rơm rạ, hoặc dùng vôi bột rải vào ruộng trước khi cày xới. Việc cày vùi rơm rạ vào đất sẽ tạo cho đất có nhiều chất hữu cơ, giúp cho cây lúa bén rễ tốt hơn. 

Để xóa bỏ việc đốt đồng, nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, và duy trì độ màu mỡ của đất, bà con nông dân không nên đốt đồng sau mỗi vụ thu hoạch.

* Xử lý rơm rạ thành bằng chế phẩm sinh học Fito – Biomix RR:

Rơm rạ sau khi thu hoạch bà con có thể xử lý thành phân mùn bón cho cây trồng với chế phẩm sinh học Fito – Biomix RR.

Rơm rạ sau khi thu hoạch được thu gom và tập trung thành từng đống tại chỗ. Đống ủ có chiều rộng khoảng 2m, chiều cao 1,5 – 1,6m, cứ mỗi lớp 30cm rơm thì tưới một lượt dung dịch chế phẩm Fito-Biomix RR (độ dậm đặc của lớp dịch tùy thuộc độ ẩm của rơm rạ sao cho khi ủ rơm rạ có độ ẩm 70 – 80%). Khi kiểm tra độ ẩm của đống ủ thấy nước ngấm đều trong rơm rạ và khi cầm vào thấy mềm là đạt yêu cầu. Che kín đống ủ để duy trì nhiệt độ trong đống ủ luôn ở mức 40 - 500C.

Cách 10 - 15 ngày kiểm tra và đảo trộn đống ủ một lần. Sau 20 – 30 ngày, rơm rạ phân hủy tốt thành phân ủ hữu cơ bón cho cây trồng.

Bà con có thể liên hệ mua chế phẩm sinh học Fito – Biomix RR tại Liên hiệp Khoa học sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao. Điện thoại: 0913.058.693.

Nguồn: nhandan.com.vn