Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 12657 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Mô hình mới - Sản phẩm mới
Kỳ tích của lão nông ghép loại cây “thất quả” (17/02/2014)
Những năm trước, lão nông Lê Đức Giáp ở xóm Bãi, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã nức tiếng gần xa với việc lai ghép thành công cây ngũ quả (5 loại quả gồm cam, quất, quýt, phật thủ, bưởi trên cùng một cây). Năm nay, ông lại tiếp tục tung ra thị trường tết cây “thất quả” kỳ lạ.
Trong quá trình làm vườn, ông Giáp phát hiện ra rằng, ở các quả có múi, thành phần dinh dưỡng nuôi quả giống nhau nên khi ghép cam, chanh, phật thủ vào cây bưởi, chúng thích nghi rất nhanh. Tuy nhiên, năm đầu tiên thử nghiệm ghép cây ngũ quả, ông Giáp thất bại. Hồi đó là vào độ tháng Giêng, cây ngũ quả (ghép gốc bưởi với mắt cành cam, quýt, chanh, quất) đều ra hoa rất sai, nhưng cuối năm cây chỉ đậu 2 – 3 loại quả.
Rút kinh nghiệm, năm sau ông Giáp đã lựa theo đặc tính của mỗi loại cây để chọn tháng trong năm tiến hành ghép cho phù hợp. Ông Giáp phân tích: “Cây bưởi Diễn hoặc cây cam Canh có bộ rễ chùm khỏe, không bị sâu bệnh, vào tháng 5 là thời điểm thích hợp để ghép bưởi Diễn, tháng 6 ghép cam Canh và quýt, tháng 9 ghép quất, tháng 10 ghép phật thủ. Với cách làm này, tôi đã có những cây ngũ quả chín cùng lúc vào dịp Tết Nguyên đán”.
Nói thì đơn giản, nhưng theo ông Giáp, để có được cây ngũ quả đẹp, người làm phải biết chọn những cành ghép chuẩn, đặc biệt là quả chọn ghép phải đẹp, có sức sống thì khi ghép vào cây, quả mới phát triển và chín đúng tết theo ý muốn. Đặc biệt, ngoài thông thạo kỹ thuật ghép, người làm cũng phải có con mắt thẩm mỹ để bố trí các quả trên cây sao cho đẹp, nhìn góc nào cũng thấy rực rỡ.
“Một điều quan trọng nữa là theo phong tục, người Việt ta thích số lẻ và cho rằng số lẻ sẽ đem lại may mắn, tài lộc, vì thế số quả trên mỗi cây trong vườn nhà tôi đều là số lẻ. Cây ngũ quả nhỏ thì thường có 3 quả cam, 3 quả phật thủ, 3 quả quất, 3 quả quýt, 5 – 7 quả bưởi. Cây to thì số quả mỗi loại sẽ nhiều hơn” – ông Giáp nói.
Điểm đặc biệt của loại cây này là tuy 5 loại quả cùng ghép trên một thân cây, nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của từng loại hoa trái. Thời gian từ khi chọn cây, tiến hành ghép cho đến khi thu hoạch khoảng 1 năm.
Tết Nguyên đán năm nay, ngoài gần 100 cây ngũ quả, ông Giáp còn mạnh dạn giới thiệu thêm “sản phẩm” mới là trên 20 cây loại thất quả (7 quả), vì được ghép thêm quả bưởi đỏ và chanh đào. Ông Giáp cho biết: “Cây 5 loại quả tượng trưng cho mâm ngũ quả để thờ cúng ngày tết, còn cây 7 quả, tôi muốn thể hiện sự hoà hợp, gắn bó, sum vầy trong gia đình Việt ngày xuân”.
Để đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng, vườn nhà ông cũng có đủ loại cây từ bình dân cho đến hàng “khủng”. Cây to, đẹp giá từ 2 – 20 triệu đồng/cây, cây nhỏ từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/cây. Hiện, với hơn 1ha trồng cây ngũ quả, mỗi năm lợi nhuận ông Giáp thu về không dưới 500 triệu đồng. Ông Giáp sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật ghép cây ngũ quả cho những ai đam mê và khao khát làm giàu từ loại cây độc đáo này.
Nguồn: Nông thôn ngày nay
- Mô hình trồng thanh long hướng hữu cơ (19/07/2022)
- Nuôi rắn ráo trâu mỗi năm thu lãi nửa tỷ đồng (08/12/2021)
- Vươn lên làm giàu từ cây công trình (08/12/2021)
- Nuôi dúi thu nhập trăm triệu mỗi năm (29/11/2021)
- Làm giàu từ nuôi gà thịt (27/10/2021)
- Hiệu quả từ mô hình nuôi cá trắm cỏ bằng cỏ Ruzi (06/10/2021)