Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 9227
Tổng truy cập : 57,998

Mô hình mới - Sản phẩm mới

Làng hoa thời 4.0 (03/03/2021)

           Đi tắt đón đầu, mạnh dạn ứng dụng thành tựu cách mạng và công nghiệp vào sản xuất, tiêu thụ, làng nghề trồng hoa cây cảnh Kiều Trung, xã Hồng Thái, huyện An Dương khẳng định thương hiệu, ngày càng có thêm nhiều nông dân triệu phú.

Đó là mô hình của anh Phạm Viết Toản, hộ trồng hoa ở làng Kiều Trung, là người tiên phong đưa giống “hồng cổ làng Kiều” nổi tiếng khắp cả nước.

Anh Toản cho biết, năm 2016 với gợi ý của người chú vợ về trồng hoa hồng leo cổ - giống có sẵn trong làng, tuy nhiên ban đầu gây dựng cũng bị thất bại vì chỉ áp dụng kinh nghiệm truyền thống, hồng lên xanh nhưng chất lượng thấp: cây lùn, thân gầy, bông nhỏ, cánh mỏng… Năm 2017, anh lại quyết định dồn hết vốn liếng đầu tư công nghệ vào tiếp tục trồng hồng cổ, từ khâu tưới tiêu, kỹ thuật đến tiêu thụ. Toàn bộ khu vườn được lắp đặt hệ thống tưới tự động, chỉ cần gạt cầu dao điện hoặc điều khiển bằng điện thoại thông minh có kết nối intenet khi vắng mặt là cả vườn hồng “no” nước không phải dùng tay xách thùng, tưới gáo hay kéo vòi phun vất vả như trước. Trong vườn, anh còn lắp máy đo độ ẩm, lưới che để chủ động ứng phó trước điều kiện thời tiết. Đồng thời, anh thực hiện ứng dụng tiến bộ mới trong thực hiện các kỹ thuật giâm, chiết, ghép… Nhờ vậy, hồng cổ làng Kiều do anh nhân bản bông to, cánh dày, sắc thắm, lâu tàn, thân cao, đẹp hơn nhiều so với giống nguyên bản. Không những vậy, anh Toản còn khéo ghép để một cây hoa có nhiều màu sắc, cánh đơn, cánh kép, trồng các loại chậu hồng leo thân to, tạo dáng thẳng, uốn vòng, chiết cành bán cây giống đem lại giá trị kinh tế lớn hơn nhiều.

Không chỉ ứng dụng công nghệ trong trồng hoa, anh Toản tận dụng ưu thế của công nghệ trong tiêu thụ. Anh sắp laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh kết nối mạng intenet, tận dụng mạng xã hội Facebook, zalo để đăng tải hình ảnh, quảng bá vườn hồng của mình; lập riêng một trang trên Facebook dành cho những người yêu thích hồng cổ. Vườn hồng vừa lắp đặt hệ thống camera vừa giám sát an ninh, vừa giới thiệu sản phẩm trên mạng internet. Nhờ vậy, khách hàng khắp cả nước biết đến hoa hồng cổ gia đình anh. Nhiều khách từ Thành phố Hồ Chí Minh liên hệ đặt hàng với số lượng lớn. Bình quân anh Toản bán từ 2-2,5 nghìn cây/tháng, thu nhập 50-60 triệu đồng/tháng, bằng cả năm trồng đào. Từ hơn 3 sào vườn, đến nay anh đã mở rộng được lên 7 sào.

Không riêng hộ anh Phạm Viết Toản, theo chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái Nguyễn Đình Du, hiện nhiều hộ trồng hoa ở thôn Kiều Trung nói riêng, xã Hồng Thái nói chung mạnh dạn đi đầu đổi mới, tích cực ứng dụng công nghệ phát triển các mô hình trồng hoa cây cảnh như hộ ông Nguyễn Văn Mậu với mô hình trồng hoa lan cảnh; hộ anh Nguyễn Văn Hùng với mô hình nhân giống trồng lan công nghệ cao… Ứng dụng công nghệ hiện đại từ khâu trồng, chăm sóc, bảo quản, đăng ký thương hiệu đến tiêu thụ. Nhờ đó, nghề trồng hoa cây cảnh truyền thống tại địa phương phát triển ngày càng đa dạng, thêm nhiều loại hoa mới độc đáo, được thị trường ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao với tổng thu nhập làng nghề đạt hơn 60 tỷ/năm. Từ đó, thương hiệu làng nghề trồng hoa, cây cảnh Kiều Trung ngày càng bay xa, sản phẩm tiêu thụ khắp cả nước./.

Nguồn: Báo Hải Phòng cuối tuần