Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 32900
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Lưu ý chăm sóc lúa vụ mùa 2016 (26/07/2016)

Hiện nay các địa phương đã cấy xong lúa mùa, chuẩn bị chuyển trọng tâm chăm sóc. Để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, hạn chế sâu bệnh, bà con cần lưu ý một số biện pháp chăm sóc lúa mùa 2016 như sau:

1. Chế độ nước tưới

- Đối với lúa cấy: sau cấy, duy trì lớp nước nông khắp mặt ruộng, giúp lúa bén rễ hồi xanh nhanh, sinh trưởng khỏe và hạn chế hiện tượng lúa bị mất khoảng. Ở vụ mùa, dễ gặp mưa lớn, nắng nóng nên hay xảy ra hiện tượng cây yếu, thân rớt, thối bẹ lá, rong rêu và ốc bươu vàng phá hoại. Do vậy, cần thực hiện phương châm: giữ cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng để phòng úng lụt. Giữ mực nước nông ở thời kỳ lúa đẻ nhánh (5-7cm). Tuyệt đối không để ngập lụt sau cấy.

- Đối với lúa gieo thẳng: Sau khi gieo xong, cần giữ ẩm mặt ruộng bằng cách giữ nước ở rãnh, giúp lúa mọc nhanh, bộ rễ ăn sâu. Tránh để đọng vũng nước trên mặt, gặp nắng nóng mộng dễ bị thối. Khi lúa đạt được 1,5-2 lá, đưa nước vào láng chân và tiến hành bón nhử 1,5- 2 kg urê/sào, kiểm tra phun thuốc trừ ốc bươu vàng.

* Lưu ý: Ở vụ mùa, thời tiết thường có nắng nóng hoặc mưa lớn, nhất là đối với lúa gieo thẳng đầu vụ. Vì vậy bà con cần chú ý:

+ Ruộng mới gieo xong, nếu gặp mưa lớn, cần đắp bờ giữ nước. Tạnh mưa, chờ khi nước trong mới tháo dần cho nước chảy từ từ để mộng mạ khỏi bị trôi. Những diện tích gieo sớm đã có 1-2 lá, nếu gặp mưa lớn gây ngập úng, bà con cần khẩn trương tháo nước. Khi thấy lá lúa lộ ra thì nên sử dụng các chế phẩm KH, ET.... phun giúp cây phục hồi nhanh. 

+ Kiểm tra nếu thấy cây được 1 lá trở lên, có thể đưa nước vào sớm, không để ruộng khô nứt nẻ lúa bị chết.

2. Dặm tỉa

- Bà con kiểm tra đồng ruộng và tiến dặm tỉa sớm để đảm bảo mật độ. Nhóm giống đẻ trung bình như lúa TBR1, Q5: 35-40 khóm/m2; nhóm lúa đẻ khỏe như BC15, lúa lai: 32-35 khóm/m2.

- Trong quá trình dặm tỉa, bà con chú ý, chỗ nào quá thưa, mất khoảng: cây cách cây 20cm mới cần dặm vào để hạn chế công lao động.

3. Bón phân thúc

- Vụ mùa, nếu bón phân muộn làm cho lúa dễ bị nhiễm sâu bệnh đồng thời có thể xảy ra hiện tượng lúa vừa đẻ nhánh, vừa làm đòng làm giảm năng suất.

- Để giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế bạc lá và đổ ngã cuối vụ, bà con không bón phân đạm đơn mà nên sử dụng NPK chuyên thúc cho lúa có hàm lượng đạm và kali cao như loại 12:5:10, 16:5:17, 17:5:16 … với lượng 12-15 kg NPK chuyên thúc /sào tùy thuộc chân đất và giống lúa.

- Có thể bón dứt điểm 1 lần hoặc chia 2 lần (lần 2 cách lần 1 từ 7-10 ngày), bón vào lúc chiều mát để hạn chế bốc hơi. Sau khi bón xong nên dùa đục nước hoặc bón xong mới làm cỏ, dặm tỉa để năng cao hiệu quả phân bón.

4. Một số lưu ý khác

- Sau khi cấy xong, cần kiểm tra, nếu thấy có ốc bươu vàng có thể bắt thủ công hoặc sử dụng thuốc hóa học để phun. Khi sử dụng thuốc trừ cỏ hoặc thuốc trừ ốc bươu vàng, cần giữ 1 lớp nước vừa phải đều khắp mặt ruộng. Nếu nước quá sâu hoặc cạn đều làn ảnh hưởng đến lúa, thậm chí có thể bị héo ngọn và chết.

- Trong quá trình chăm sóc lúa, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh để phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của chi cục BVTV.

Nguồn: Sở NN&PTNT Thái Bình