Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 28229
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Một số lưu ý khi ngâm ủ và gieo mạ vụ mùa năm 2018 (25/06/2018)

         Cây mạ khỏe là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tạo tiền đề cho năng suất cao. Để chủ động giành vụ mùa thắng lợi, bà con cần lưu ý một số vấn đề trong ngâm ủ và gieo mạ như sau:

1. Ngâm ủ

- Với hạt giống chuyển vụ, tức là thu hoạch ở vụ xuân chuyển luôn sang vụ mùa, do đó hạt giống chưa qua thời gian ngủ nghỉ, bắt buộc phải phá ngủ. Thông thường có 3 cách phá ngủ như sau:

+ Dùng lân Supe: hòa tan 1kg lân supe với 10 lít nước sạch, để lắng, gạn lấy nước trong để ngâm ngập hạt giống. 

+ Dùng Axit Nitric 3‰: dùng 3ml axit cho vào 1 lít nước rồi khuấy đều, để ngâm cho 1 kg thóc giống. Không nên dùng đồ kim loại để ngâm, vì axit này ăn mòn kim loại.

+ Dùng các chế phẩm phá ngủ hạt thóc giống bán trên thị trường theo hướng dẫn trên bao bì.

Với cả 3 cách trên đều phải ngâm liên tục 24h trong nước thuốc để phá ngủ hạt giống, sau đó mới được vớt ra, rửa sạch rồi ngâm tiếp trong nước sạch cho đến khi hạt no nước. 

- Với hạt giống đã qua thời gian ngủ nghỉ: trước khi ngâm nên phơi qua nắng nhẹ từ 1-2 giờ để diệt một số nấm bệnh tồn tại trên hạt giống, đồng thời kích thích hạt giống hút nước nhanh và nảy mầm đều hơn.

- Thời gian ngâm phụ thuộc vào độ ẩm và sức hút nước của hạt. Thông thường đối với lúa lai ngâm từ 16-20 giờ, lúa thuần ngâm từ 48-72 giờ hoặc có thể dài hơn tùy từng giống. Cứ ngâm 8-10 giờ phải thay nước, rửa chua. Ngâm đến khi hạt no nư­ớc (hạt sưng mép) thì đãi sạch chua, để ráo rồi gói vào bao vải, bao dứa thưa, hoặc để trong thúng có phủ vải ẩm… để ủ. Sau một ngày kiểm tra, nếu hạt thóc nứt nanh đều, thì xử lý mộng mạ như sau: ngày ngâm nước, đêm vớt lên rải mỏng, ủ nhẹ. Làm như vậy đến khi mộng dài bằng 1/3-1/2 chiều dài hạt thóc là gieo. Cần tranh thủ gieo ngay khi thời tiết thuận lợi, tránh gặp mưa.

2. Gieo mạ

- Để có cây mạ non, cứng, cây đanh dảnh, trong vụ mùa, có thể gieo mạ nền cứng hoặc mạ dày xúc. Nên gieo mạ dày xúc ở chân ruộng màu hoặc trên vườn với lớp bùn dày hơn gieo mạ nền cứng. Nền bùn có thể bổ sung thêm 1 kg phân vi sinh hoặc 0,5 kg NPK loại 5.10.3 cho 3-5 m2 mạ để cấy 1 sào. Trong quá trình chăm sóc, cần lưu ý chống nóng cho mạ bằng cách che lưới đen và thường xuyên tưới ẩm cho luống mạ. Khi cây mạ được 2,5-3 lá thật (khoảng 7-10 ngày tuổi) là đem cấy. Nếu cấy trên các chân ruộng trũng hoặc chưa có ruộng để cấy, có thể để mạ dày xúc được 15-18 ngày tuổi như mạ dược thưa.

- Lưu ý: Nếu mạ dày xúc để quá 3 lá thật, cần phải bổ sung dinh dưỡng cho mạ bằng cách hòa loãng phân NPK hoặc lân supe để tưới. 

- Trước khi đưa mạ ra ruộng cấy, nên phun phòng sâu bệnh tiễn chân mạ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, đặc biệt là phun phòng trừ rầy để tránh nguy cơ truyền bệnh lùn sọc đen ngay đầu vụ.

  Nguồn: Khuyến nông Thái Bình