Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 10575
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Một số lưu ý khi tái đàn vật nuôi vụ xuân hè 2018 (22/03/2018)

          Thời tiết giai đoạn vụ xuân hè có nhiều thay đổi: nhiệt độ bắt đầu tăng; thường có gió đông - đông nam gây mưa nhỏ, độ ẩm không khí cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển và lây lan. Đây cũng là thời điểm người chăn nuôi tái đàn mạnh nên mật độ gia súc gia cầm (GSGC) non tăng cao. GSGC non là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh do sức đề kháng thấp. Vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra:

1. Chuẩn bị chuồng trại:

- Sau khi xuất bán sản phẩm chăn nuôi, bà con cần tổng vệ sinh và phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu dọn chất thải xử lý bằng các biện pháp thích hợp. Quy trình vệ sinh chuồng trại: Thu dọn phân, rác thải - Rửa bằng nước - Để khô - Phun thuốc khử trùng.

- Để trống chuồng từ 15-21 ngày, kết hợp với quét nước vôi toàn bộ nền, tường chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Trong thời gian để trống chuồng, bà con kiểm tra gia cố lại chuồng nuôi: như mái chuồng phải đảm bảo không bị dột nát, tường và nền chuồng phải phẳng và làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, sát trùng. Cửa sổ, rèm che đảm bảo không bị mưa tạt, gió lùa. Kiểm tra lại hệ thống chụp sưởi chuồng nuôi, hệ thống cấp nước, hàng rào, tường bao quanh khu vực chăn nuôi cũng như cổng ra vào, hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi. Vệ sinh rửa sạch toàn bộ các dụng cụ chăn nuôi, sau đó phơi khô khi trời có nắng rồi phun hóa chất khử trùng.

- Đối với bãi chăn thả: Cày lật đất sâu 15 cm, rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh và các động vật trung gian.

- Đối với ao đầm (trong chăn nuôi thủy cầm): Tát cạn ao, vét bùn, rắc vôi bột (8-10kg/100 m2), để khô từ 7-10 ngày sau đó lấy nước mới vào. Nếu không tát cạn được thì dùng bơm hạ mực nước, rắc vôi bột (8-10kg/100 mnước trong ao).

2. Chuẩn bị con giống:

- Xác định số lượng con giống cần mua để đảm bảo mật độ thích hợp và kế hoạch đầu ra cho sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế.

- Chỉ mua con giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y tại những cơ sở giống có uy tín, được cấp phép; con giống phải khỏe mạnh, khi mới mua về phải được nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh, đảm bảo giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn.

3. Vệ sinh thú y:

- Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, đặc biệt là gia súc, gia cầm mới tái đàn: Đối với gia cầm, tiêm các loại vắc-xin cúm gia cầm, Niu cát xơn, Gumboro, dịch tả vịt, viêm gan vịt, tụ huyết trùng...; Đối với lợn, tiêm các loại vắc-xin: phó thương hàn, dịch tả, tụ dấu, tai xanh, lở mồm long móng (LMLM),...; Đối với trâu bò, tiêm vắc-xin tụ huyết trùng, LMLM...

- Khi mới nhập gia súc, gia cầm về nuôi và vào những ngày thời tiết thay đổi, nên bổ sung thêm kháng sinh (vào thức ăn hoặc nước uống) để phòng bệnh đường tiêu hóa và hô hấp.

- Thường xuyên thu dọn phân rác và thay chất độn chuồng, không để tích tụ nhiều sẽ sinh ra các loại khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi. Chất thải được xử lý bằng các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường như bể Biogas, hố ủ phân, đệm lót sinh học... Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh chuồng nuôi để hạn chế ruồi muỗi. Hạn chế tối đa việc cọ rửa toàn bộ chuồng trại bằng nước để tránh làm độ ẩm trong chuồng nuôi tăng cao. Chỉ cọ rửa những vị trí quá bẩn hoặc dây phân, sau đó quét khô, không để nước đọng ở nền chuồng.

- Phun thuốc sát trùng: Định kỳ 2 lần 1 tuần phun thuốc khử trùng toàn bộ chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh. Hàng ngày thay chất sát trùng trong hố khử trùng để hạn chế mầm bệnh lây lan.

- Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi bị ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan. Đặc biệt với các bệnh đường hô hấp và tiêu hoá, cần chủ động cho GSGC uống thuốc ở liều phòng bệnh khi thời tiết thay đổi. Khi có vật nuôi bị ốm, chết, cần báo ngay cho thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan.

Nguồn: Khuyến nông Thái Bình