Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 71401 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Một số lưu ý phòng trừ sâu bệnh hại trong vụ mùa 2018 (24/08/2018)
1. Nguyên nhân, biểu hiện một số loại bệnh hại
Bệnh bạc lá:
Đây là bệnh cần được lưu ý đầu tiên trong điều kiện vụ mùa. Bệnh làm cháy dần từ hai mép lá và bị nặng sẽ cháy cả phiến lá. Nếu như bệnh gây hại lá công năng, lá đòng, sẽ làm giảm năng suất, thậm chí còn bị mất trắng.
Có nhiều nguyên nhân: Có thể gieo cấy giống dễ nhiễm bệnh (giống lúa lai Nhị ưu 838, giống lúa chất lượng BT7...); Làm đất không ngấu; Thâm canh mất cân đối, bón thừa đạm, bón phân muộn, bón lai rai; Chân ruộng trũng, hẩu dồn màu cuối vụ; Hay mưa gió nhiều làm bộ lá bị dập nát, tổn thương càng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao;....
Bệnh đạo ôn:
Bệnh hại trên tất cả các bộ phận của cây như: lá, đốt thân, cổ bông, gié, hạt. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt. Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, rộng ở phần giữa, nhọn ở 2 đầu. Ở giữa vết bệnh màu xám tro, xung quanh nâu đậm, phần tiếp giáp với mô khoẻ có màu nâu nhạt. Khi bệnh nặng, các vết bệnh nối liền nhau làm cho lá bị cháy; Đốt thân khô, teo lại, gãy; Gié và cổ bông lúa héo, bông lúa trắng, lép lửng…
Trên các giống dễ nhiễm như BC15, Q5, Nếp cao cây; Chân ruộng trũng hẩu; Ruộng bón phân không cân đối (thừa đạm), … kết hợp với điều kiện thời tiết âm u, ẩm ướt, có sương mù…bệnh dễ phát sinh và lây lan mạnh.
Bệnh khô vằn:
Bệnh khô vằn gây hại chủ yếu ở bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Các bẹ lá sát mặt nước, bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên. Vết bệnh ở bẹ lá lúc đầu là vết đốm hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt, sau lan rộng ra thành vết vằn da hổ, dạng đám mây. Khi bệnh nặng, cả bẹ và phần lá phía trên bị chết lụi. Vết bệnh ở cổ bông thường là vết kéo dài bao quanh cổ bông, hai đầu vết bệnh có màu xám loang ra, phần giữa vết bệnh màu lục sẫm co tóp lại.
Bệnh khô vằn phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao và ẩm độ cao, đặc biệt, khi có nắng, mưa xen kẽ; Ruộng cấy quá dày, cấy nhiều dảnh; Ruộng bón thừa đạm….Nguồn bệnh tồn tại ở trên đất ruộng, gốc rạ và tàn dư trên đồng ruộng….nên rất dễ lan truyền sang vụ sau.
Bệnh lùn sọc đen:
Đây là bệnh nguy hiểm, vì bệnh do vi rút gây ra và không có thuốc chữa, khi đã xuất hiện dễ lan truyền thành dịch. Bệnh lan truyền do rầy lưng trắng và gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trên hầu hết các giống lúa.
Biểu hiện: Cây bị bệnh thường thấp lùn, lá xanh đậm, xoắn lại ở phần chóp lá, xuất hiện các u sần ở mặt sau lá và thân cây lúa, nhánh lúa được đẻ từ các đốt thân trên tạo thành các bụi lúa lớn. Bệnh có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn mạ, bị bệnh muộn, cây lúa vẫn có khả năng phân hóa đòng, nhưng hầu hết các đòng lúa bị biến dạng, không trỗ bông, hoặc vẫn trỗ bông nhưng bông bé, không kết hạt, hạt bị đen, làm mất năng suất.
2. Biện pháp phòng trừ một số loại bệnh:
Với các loại bệnh, chủ yếu bà con nên áp dụng biện pháp phòng là chính, đặc biệt các bệnh chưa có thuốc đặc trị như: lùn sọc đen, bạc lá,..... Do đó, khi thâm canh cây lúa cần áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp giúp cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ như:
- Vệ sinh, dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật mang mầm bệnh trên đồng ruộng, hạn chế lây lan sang vụ kế tiếp.
- Chọn giống chống chịu tốt với sâu bệnh hại; vụ mùa nên chọn các giống nhiễm nhẹ hoặc không nhiễm bệnh bạc lá.
- Để đất ngấu, rơm rạ nhanh hoai mục nên bón vôi bột từ 20-25 kg/sào hoặc 5-7kg/sào phân vi sinh Azotobacterin hoặc sử dụng các chế phẩm sử lý rơm rạ như Sumitri, ATYTB… để rắc sau khi thu hoạch lúa vụ trước.
- Cấy thưa, cấy ít dảnh. Đặc biệt cần chăm sóc để cây mạ khỏe, to gân, đanh dảnh tăng khả năng chống chịu;
- Bón phân cân đối, bón sớm, bón tập trung, không lạm dụng đạm ure, dùng NPK chuyên dùng để bón; Đối với chân ruộng trũng, hẩu dồn phân cuối vụ cần giảm bớt lượng phân bón;
- Điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, theo công thức Nông - Lộ - Phơi để vừa hạn chế sâu bệnh nhưng cây vẫn phát huy được khả năng sinh trưởng tối ưu. Giai đoạn sử lý sâu bệnh, giai đoạn làm đòng, cần giữ mực nước 5-7cm để cây làm đòng, trỗ bông và tăng hiệu quả sử dụng thuốc BVTV.
Lưu ý:
Đối với bệnh bạc lá: Kiểm tra ruộng lúa ngay sau mưa dông, nếu có biểu hiện bị táp lá nên phun phòng ngay; Khi chớm bị bệnh dùng thuốc Xanthomix20WP, Kasumin2SL hoặc Stanner20WP… phun kép để khoanh vùng vết bệnh; Giống chất lượng nên cấy lùi lịch thời vụ; Trung tuần tháng 8 đầu tháng 9 thường có lứa sâu đục thân, sâu cuốn lá gây hại có thể kết hợp phun phòng bệnh cho giống dễ nhiễm.
Đối với bệnh đạo ôn: Vụ mùa cũng không được chủ quan với bệnh này. Giai đoạn lúa trỗ, nếu nhiệt độ thấp 24-260C, ẩm độ không khí cao nên phun phòng khi lúa trỗ thấp thoi và khi kết thúc trỗ cho các giống dễ nhiễm, mẫn cảm với bệnh như BC15, Q5... Khi bệnh nặng cần dứt bỏ lá bệnh kết hợp phun thuốc nhiều lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày tùy mức độ nặng của bệnh.
Đối với dịch bệnh lùn sọc đen: Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy xuất hiện cây có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để phân loại hướng dẫn các biện pháp phòng dịch kịp thời. Phun rầy tiễn chân mạ trước khi cấy.
Với các đối tượng sâu hại, bà con nên bám vào lịch phun phòng trừ của địa phương, đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả cao khi phòng trừ sâu bệnh.
Nguồn: TTKN Thái Bình
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)