Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 25143
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Một số lưu ý trong gieo thẳng lúa xuân 2015 (27/04/2015)

 

Gieo thẳng là một tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Để áp dụng đúng kỹ thuật gieo thẳng,chúng tôi xin lưu ý đến bà con một số vấn đề sau:

1. Chọn ruộng và làm ruộng gieo:  Cần quy hoạch gọn vùng gieo thẳng tập trung để thuận tiện tưới, tiêu, chăm sóc và bảo vệ.

- Bón toàn bộ bằng phân chuồng, phân NPK chuyên lót trước khi bừa lần cuối để phân được keo đất giữ cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa giai đoạn đứng cái làm đòng trỗ bông, đồng thời giúp bộ rễ ăn sâu chống đổ tốt hơn.

 

- Khi bừa nên bừa kỹ hơn ruộng cấy và trang phẳng mặt ruộng, tạo rãnh tiêu nước xung quanh ruộng ngay sau khi bừa. 

- Vụ xuân cây lúa lấy nước làm áo do vậy cần trang lại cho lầm mặt ruộng trước khi gieo.

2. Thời vụ: Thời vụ gieo thẳng phụ thuộc vào giống lúa và điều kiện thời tiết. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vụ xuân năm 2015 nghiêng về ấm do vậy gieo thẳng tập trung từ 15 - 25/02/2015 (trước và sau Tết Nguyên Đán). Những giống lúa có thời gian sinh trưởng trên 130 ngày (BC15, lúa lai...) gieo đầu lịch, các giống có thời gian sinh trưởng dưới 130 ngày gieo cuối lịch.

- Những chân ruộng trồng cây màu nên lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn (P6 đột biến, KoShi, GL102…) và gieo sớm hơn.

3. Lượng thóc giống và ngâm ủ mộng mạ:

- Lượng giống: Nên khống chế lượng thóc giống ngay từ ban đầu. Với lúa lai và những giống hạt nhỏ như BT7, T10... chỉ nên gieo 0,8 - 1 kg/sào, với các giống hạt to như Q5, TBR1, N97... cần 1,2 - 1,5 kg/sào, BC15 nên gieo từ 1,0 - 1,2 kg/sào.

- Trước khi ngâm nên phơi lại dưới nắng nhẹ 1 - 2 giờ để hạn chế nấm bệnh trên vỏ hạt, ngâm hạt hút nước nhanh hơn.

- Ngâm: Nguyên tắc của ngâm là phải đủ nước. Thông thường ngâm trong nước sạch với lúa lai khoảng 24 tiếng, lúa thuần khoảng 48 - 60 tiếng tùy giống.

- Ủ: Nguyên tắc của ủ là phải tạo nhiệt từ 35 - 370C, kích thích hạt nảy mầm nhanh và đều, trong điều kiện vụ xuân nên pha nước nóng khoảng 45 - 500C (sờ vào thấy nóng rát tay), lăn đảo bao thóc giống sao cho các hạt thóc đều được kích nhiệt sau đó đem ủ dưới hố hoặc trong hộp xốp khoảng 20 - 24 tiếng, kiểm tra khi thấy hạt nứt là được.

- Xử lý mộng mạ cho rễ ngắn mầm dài (mầm dài bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc) bằng cách sau khi ủ, hạt đã nứt nanh, tiến hành túm chặt ngâm sâu và ngâm nhiều hơn ủ (ngâm khoảng 14 - 16 tiếng/ngày) khoảng 3 ngày sẽ có mộng mạ đạt tiêu chuẩn. Khi gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng bắt buộc phải xử lý mộng mạ cho rễ ngắn, mầm dài.

4. Kỹ thuật gieo:

- Đối với gieo vãi bằng tay: Nên chia lượng mộng mạ đều cho các luống. Mỗi luống rộng từ 1,5 - 2 m. Gieo đi gieo lại nhiều lần để đảm bảo được khoảng 100 - 120 hạt/m2. Gieo úp tay để hạt mộng tiếp xúc với đất nhiều hơn.

- Đối với gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng: Đổ mộng mạ vào các trống, chỉ đổ khoảng 1/2 - 2/3 trống, khi kéo phải đi thẳng, đi đều, khép kín các lối đi, đảm bảo mật độ từ 18 - 20 hạt/1m dài (tương đương với mật độ 90 - 110 hạt/m2).

Lưu ý: nên rắc một ít mộng vào góc ruộng khoảng vài m2 làm mạ dự phòng, tuyệt đối không được gieo quá dầy sẽ mất nhiều công tỉa.

- Cần phải phun thuốc trừ cỏ tiền này mầm ngay sau gieo (chậm nhất là 3 ngày sau gieo) 

5. Chăm sóc lúa gieo thẳng:

- Về điều tiết nước: Điều tiết nước đối với lúa gieo thẳng rất quan trọng. Sau gieo thường xuyên giữ ẩm mặt ruộng để rễ lúa ăn sâu vào đất tăng khả năng chống đổ và phòng ốc bưu vàng phá hại giai đoạn cây con.

- Khi lúa 2 - 2,5 lá, đưa nước láng mặt ruộng, kết hợp bón nhử 2 - 3 kg đạm/sào giúp cây sinh trưởng phát triển tốt và đẻ nhánh sớm, không để ruộng quá khô cây phát triển kém gặp rét dễ bị chết

- Khi lúa đạt 4 - 5 lá, đưa nước trở lại, bón thúc mỗi sào 13 -15 kg NPK chuyên thúc kết hợp tỉa dặm và giữ mực nước láng mặt ruộng để lúa đẻ nhánh được thuận lợi.

- Khi lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản (khoảng 350 dảnh/m2). Rút nước phơi ruộng để ruộng nứt nẻ chân chim rồi lại đưa nước vào ruộng cho lúa phân hoá đòng, và giữ nước cho đến khi gặt.

6. Phòng trừ sâu bệnh:

Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để điều tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại.

Nguồn: khuyennongthaibinh.vn