Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 40107
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Một số lưu ý trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm (06/07/2015)

Thực phẩm là một nhu cầu không thể thiếu của mỗi người, giúp chúng ta duy trì sự sống. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình mất an toàn thực phẩm trong nông nghiệp đang có nguy cơ tăng cao. Để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, trong sản xuất nông nghiệp, cần phải tuân thủ các yêu cầu:

* Đối với lĩnh vực trồng trọt:

- Chọn đất trồng không có tồn dư hóa chất độc hại, cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện ít nhất 2km, với chất thải sinh hoạt thành phố ít nhất 200m; Sử dụng nguồn nước tưới từ sông không bị ô nhiễm, hoặc phải qua xử lý, hoặc sử dụng nước giếng khoan, dùng nước sạch để pha phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); Lựa chọn giống cây trồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch.

 

- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới. Sử dụng phân hoá học bón thúc vừa đủ theo yêu cầu của từng loại cây trồng. Cần kết thúc bón trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày.

- Phòng trừ sâu bệnh: Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp: Luân canh cây trồng hợp lý; Thường xuyên vệ sinh, kiểm tra đồng ruộng và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh; Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh hợp lý; Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết, ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học, thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người. Không sử dụng loại thuốc BVTV cấm sử dụng, không rõ nguồn gốc.

- Áp dụng công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch để giảm thiểu tổn thất và ô nhiễm lương thực do bị nhiễm côn trùng, nấm. Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất  độc hại để bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch.

* Đối với lĩnh vực chăn nuôi:

- Khu chăn nuôi, giết mổ phải cách xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp.

- Chọn con giống khỏe mạnh có xuất xứ rõ ràng và có giấy chứng nhận kiểm dịch tại nơi sản xuất.

- Không sử dụng các loại kháng sinh, chất tăng trọng, các hóa chất cấm dùng trong chăn nuôi cũng như trong bảo quản chế biến sản phẩm. Nên dùng các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để tránh được tồn dư kháng sinh trong thịt. Ngừng sử dụng thuốc trước khi giết thịt đúng theo hướng dẫn trên nhãn chai hoặc bao bì.

- Quy trình và vệ sinh giết mổ phải tuân thủ theo các quy định hiện hành; Đảm bảo vệ sinh trong vận chuyển và phân phối sản phẩm. Không được vận chuyển, tiêu thụ gia súc gia cầm lậu không rõ nguồn gốc, gia cầm bị nhiễm bệnh.

* Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản:

- Địa điểm nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch được phép nuôi; giao thông thuận tiện, có điện lưới, có khả năng chủ động nguồn nước cấp (ngọt, mặn) phù hợp, đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng như đáp ứng các yêu cầu về chỉ tiêu lý hóa của nước và không bị ô nhiễm.

- Con giống: chỉ mua giống những nơi có uy tín, có chứng nhận xuất xứ nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Chọn giống khỏe mạnh, sạch bệnh, đồng đều kích cỡ, giống có màu sắc sáng đẹp.

- Môi trường nuôi: phải xử lý trước khi nuôi, nguồn nước phải sạch, không bị ô nhiễm, kiểm soát được các nguồn lây nhiễm do vi sinh vật và hóa chất. Nước phải được kiểm soát trước khi lấy vào và khi thải ra môi trường.

- Thức ăn: Không bị nhiễm nấm mốc, không trộn các hóa chất, kháng sinh đã bị cấm, không trộn hormone kích thích sinh trưởng. Bảo quản thức ăn nơi khô ráo, thoáng mát đồng thời có biện pháp ngăn chuột và côn trùng xâm hại.

- Phòng trừ bệnh: Tuyệt đối không sử dụng thuốc, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và không có nguồn gốc rõ ràng trong phòng trị bệnh cho thủy sản. Không lạm dụng thuốc, khi sử dụng thuốc phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc sử dụng, bảo đảm thời gian cách ly.

- Thu hoạch và chế biến thủy sản: Thủy sản sau khi thu hoạch phải được bảo quản đúng cách, không sử dụng các hóa chất để bảo quản; chế biến thủy sản phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn: Sở NN&PTNT Ninh Bình