Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 24472 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Một số sâu bệnh hại lúa xuân và biện pháp phòng trừ (06/04/2017)
Vụ xuân 2017, thời tiết diễn biến bất thường đã gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh hại phát sinh gây hại trên lúa. Vì vậy cần kịp thời ngăn chặn và chủ động phòng trừ, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
1. Bệnh đạo ôn
- Bệnh phát sinh gây hại giai đoạn đẻ nhánh làm hỏng lá, lụi cây; giai đoạn trỗ làm cổ bông bị thối và gẫy, lúa bị lép, giảm năng suất nghiêm trọng. Bệnh do nấm gây ra, phát tán theo chiều gió, phát sinh mạnh khi nhiệt độ 24-280C, trời âm u mưa phùn, không có nắng. Bệnh hại nặng trên các giống nhiễm như BC15, Q5, Nếp... trên diện tích bón nhiều đạm, bón muộn.
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh, dọn sạch cỏ dại tàn dư thực vật mang mầm bệnh trên đồng ruộng. Bón phân cân đối, đúng giai đoạn, không bón đạm đơn, không bón muộn. Ruộng đang nhiễm bệnh nên giữ nước đầy đủ, không bón thêm phân đạm dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả NPK hay phân qua lá có chứa hàm lượng đạm. Cần lưu ý bổ sung Kali trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng.
- Khi lúa bị đạo ôn, cần phun trừ bằng thuốc đặc trị như: Bump 650WP, FILIA-525EC, Kabim 30EC, Beam... và phun sớm khi mới có một vài vết bệnh nhỏ (bằng đầu kim). Khi thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển, cần phun phòng ngay. Khi bệnh nặng, cần dứt bỏ sạch lá bị bệnh kết hợp phun thuốc nhiều lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày tùy mức độ nặng của bệnh. Cần tăng nồng độ 1,5 lần hoặc thay thuốc khác tránh hiện tượng quen thuốc.
2. Bệnh khô vằn
- Do nấm gây ra, phát sinh trong điều kiện thời tiết nóng ấm, trên chân ruộng cấy dày, cấy to, bón nhiều đạm xanh tốt. Bệnh thường xuất hiện ở ven bờ lan dần vào trong, phát tán theo chiều nước chảy.
- Biên pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, cắt sạch cỏ bờ. Cấy đúng mật độ, bón phân cân đối, tránh hiện tượng thừa đạm, có thể phun phòng xung quanh bờ. Khi bệnh mới xuất hiện nên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như Anvil 5-10 EC, Validacin 3SL, Tilt Super 300ND... Phun theo hướng dẫn trên bao bì.
3. Sâu cuốn lá nhỏ
- Có 3 lứa, lứa 1 sâu non đầu tháng 3 hại giai đoạn đẻ nhánh, mật độ thấp không cần phun trừ để bảo vệ thiên địch. Lứa 2 sâu non tuần đầu tháng 4 hại lúa xuân sớm đang làm đòng, xuân muộn đang đẻ nhánh. Cần phun phòng trừ khi mật độ 20 con/m2 đối với xuân sớm; 50 con/m2 đối với xuân muộn. Lứa 3 gây hại từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, trên trà xuân muộn đang làm đòng đến trỗ. Cần theo dõi chặt chẽ, có biện pháp phun trừ vì lứa sâu này thường mật độ cao hại lá đòng, ảnh hưởng đến năng suất.
- Biện pháp phòng trừ: Bón phân cân đối, tránh hiện tượng lúa non thừa đạm, kết hợp vệ sinh cỏ dại quanh bờ. Nhất là giai đoạn làm đòng trỗ bông, phải theo dõi chặt chẽ, phun trừ theo hướng dẫn của chi cục Trồng trọt BVTV. Quan sát đồng ruộng sau 5-7 ngày bướm rộ cần tiến hành phun thuốc để diệt sâu non. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như Silsau super 4EC, Abamectin...
4. Sâu đục thân 2 chấm
- Vụ xuân có 2 lứa, lứa 1 phát sinh cuối tháng 3 khi lúa đang đẻ nhánh, không gây thiệt hại nhiều nên không cần phun thuốc. Lứa 2 bướm ra rộ từ đầu tháng đến giữa tháng 5, sâu non làm bạc bông ảnh hưởng đến năng suất trên trà xuân muộn trỗ cùng thời kỳ bướm rộ. Cần theo dõi chặt chẽ để phun phòng.
- Biện pháp phòng trừ: Bón phân cân đối, không để diện tích lúa thừa đạm xanh non, có thể ngắt ổ trứng cách ngọn lá 3- 4 cm. Cần phun thuốc khi mật độ 0,3 - 0,5 ổ trứng/m2 giai đoạn đòng già, bắt đầu trỗ. Nên phun kép khi mật độ cao, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu có tính chất nội hấp như Prevathon 5SC, Vitako 40WG.
5. Rầy các loại
- Lứa 1 rầy xuất hiện đầu tháng đến giữa tháng 3, hại giai đoạn đẻ nhánh. Lứa này mật độ thấp không phải phun trừ. Lứa 2 xuất hiện giữa tháng đến cuối tháng 4, hại giai đoạn làm đòng trỗ bông. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy ổ cuối tháng 4. Lứa 3 là lứa rầy chính trong vụ, hại giai đoạn trỗ đến chắc xanh, chắc xanh đến đỏ đuôi. Cần có biện pháp phòng trừ tránh hiện trượng cháy rầy ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối. Nếu mật độ trên 60 con/m2 cần phun thuốc đặc hiệu như Actara 25 WG, Penaty gold 50EC, Chess 50WG, ... Kiểm tra thấy mật độ cao trên vạn con/m2,cần phun kép sau lần 1 từ 5-7 ngày. Khi phun phải rẽ lúa, cứ khoảng 5 hàng lúa thành một lối để phun trực tiếp vào gốc. Để tăng hiệu quả, khi phun rầy ruộng phải có nước; nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Nguồn: Khuyến nông Thái Bình
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)