Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 41824 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Một số vấn đề cần lưu ý trong sản xuất vụ xuân 2016 (16/12/2015)
Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi, lượng mưa vụ Xuân 2016 có khả năng thiếu hụt 20-50% so với trung bình nhiều năm, do đó nguy cơ thiếu nước cho sản xuất là rất lớn. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, nhiệt độ từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2016 cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1,5oC, rét đậm rét hại có khả năng không kéo dài. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết ấm sẽ tiền ẩn nguy cơ một số đối tượng dịch hại phát sinh gây hại nặng trong vụ xuân như chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ,... đặc biệt là bệnh Đạo ôn lá sẽ phát sinh gây hại sớm, trên diện rộng,...
Do đó, trong sản xuất vụ Xuân 2016, bà con cần lưu ý để thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Về bố trí thời vụ
Là vụ được dự báo ấm, ít ngày rét đậm, rét hại. Tuy nhiên không loại trừ có những đợt rét xẩy ra vào cuối vụ, đặc biệt xẩy ra trong thời kỳ lúa trỗ; vì vậy, phải tính toán cho lúa trỗ khoảng thời gian an toàn (tập trung từ 25/4 đến 05/5). Khung thời vụ được xác định theo 03 trà cơ bản sau:
- Trà 1: Gieo mạ từ 05 - 10 tháng 01; cấy từ 25 - 30/01 cho các giống có thời gian sinh trưởng từ 140 - 145 ngày.
- Trà 2: Gieo mạ từ 15 - 20 tháng 01; cấy từ 02/2 - 06/02 và có thể cấy từ (mùng 4 tết) cho các giống có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày.
- Trà 3: Gieo mạ từ 20 - 25 tháng 01; cấy từ 10 - 15/02 cho các giống có thời gian sinh trưởng xung quanh 125 ngày.
2. Về sử dụng giống
- Hạn chế tối đa, và tốt nhất là không sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dài, tiêu tốn nhiều nước và nhiễm nặng sâu bệnh như: 13/2, Xi23,...
- Mỗi địa phương chỉ nên chọn 2 - 3 giống lúa lai và 2-3 giống lúa thuần chủ lực; Mỗi xã chỉ nên chọn tối đa 3 giống (trừ những vùng đặc thù). Trên cùng một xứ đồng chỉ gieo cấy 1 hoặc 2 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và phải cấy xong trong vòng 2 - 3 ngày để thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại.
3. Về gieo cấy
- Đối với gieo thẳng: Cùng một giống, bố trí lịch gieo sau ra mạ khoảng từ 5 - 7 ngày, để lúa trỗ cùng thời gian, và chỉ gieo thưa với lượng giống (lúa thuần 2 - 3kg/sào; lúa lai khoảng 1,5kg/sào)
- Đối với gieo mạ cấy: Không gieo mạ vào những ngày trời rét (nhiệt độ không khí dưới 160C), nên gieo mạ có che phủ nilon cho 100% diện tích để bảo đảm an toàn và hạn chế chuột, rầy,.. gây hại.
- Cấy mạ đúng tuổi (đủ số lá quy định) và không cấy vào những ngày nhiệt độ không khí dưới 160C. Cấy thưa và cấy 1 dảnh đối với lúa lai, 2 dảnh đối với lúa thuần.
4. Về chăm sóc
- Tưới nước: Do nguồn nước tưới có hạn nên việc tưới nước phải hết sức tiết kiệm, áp dụng phương pháp tưới “Nông - Lộ - Phơi ”, ưu tiên nước tưới cho lúa vào thời kỳ cần thiết như đẻ nhánh và phân hóa đòng - trỗ.
- Cụ thể: Từ khi cấy đến khi kết thúc đẻ phải luôn duy trì có nước láng bề mặt ruộng. Sau khi bón phân thúc đẻ khoảng 5 ngày, tiến hành tháo cạn hoặc không cần tưới bổ sung, chỉ cần giữ cho ruộng đủ ẩm; chỉ tưới khi mặt ruộng khô nẻ, tưới theo phương pháp tưới tràn. Khi cây lúa phân hoá đòng đến khi chín sáp nên giữ mực nước trên ruộng khoảng 3 - 4cm. Trước khi thu hoạch 15 ngày lại tháo cạn nước để tiện thu hoạch.
- Làm cỏ: Tốt nhất làm cỏ bằng tay hoặc sử dụng các công cụ làm cỏ để đảo bùn tạo thêm Ôxy cho lúa phát triển, kết hợp dặm tỉa lúa bảo đảm mật độ đồng đều trên ruộng. Nếu sử dụng thuốc trừ cỏ (đối với lúa gieo thẳng, sử dụng nhóm thuốc tiền nảy mầm hoặc tiền nảy mầm sớm; đối với lúa cấy sử dụng nhóm thuốc trừ cỏ cho ruộng cấy) phải đảm bảo kịp thời, không để cỏ mọc quá tốt mới phun thuốc vừa kém hiệu quả vừa cạnh tranh dinh dưỡng với lúa.
- Bón phân: Đảm bảo bón đúng, bón đủ và cân đối các loại dinh dưỡng với mục tiêu thâm canh tăng năng suất. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, dùng vôi bột xử lý đất ban đầu ngay thời kỳ làm đất đổ ải để cải tạo đất và diệt một số mầm bệnh trong đất; Tập trung sử dụng phân bón NPK có hàm lượng cao, bón lót sử dụng NPK 16-16-8; Bón thúc bằng các loại NPK có hàm lượng giàu Kali như 10-5-12+TE; 15:5:20,...để lúa sinh trưởng khỏe, hạn chế sâu bệnh và cho năng suất cao.
5. Về phòng trừ sâu bệnh
Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra công tác BVTV phải được chú trọng và làm tốt ngay từ đầu vụ:
- Đầu vụ: Tập trung diệt chuột bằng các hình thức như: huy động các lực lượng đào bắt chuột, dùng bẫy chuột, những vùng có điều kiện thì sử dụng các loại thuốc diệt chuột sinh học hoặc hóa học để tổ chức diệt chuột đồng loại (diệt chuột đầu vụ là hiệu nhất có tác dụng cho cả vụ).
- Trên ruộng mạ: Áp dụng phủ nilon để hạn chế chuột phá hại mạ.
- Sau gieo cấy: Diệt chuột trước lúc lúa làm đòng là tốt nhất (sử dụng thuốc sinh học hoặc hóa học) cho những vùng có chuột nhiều để hạn chế chuột phá hại.
- Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trong vụ xuân 2016, đặc biệt chú ý Bệnh đạo ôn lá ngay từ trên ruộng mạ và sau khi cấy lúa khoảng giữa tháng 2 trở đi để phun trừ dứt điểm không cho lây lan diện rộng.
- Quan tâm nhiều hơn đến các vùng thường bị bệnh Đạo ôn của các năm trước và các giống mẫn cảm với bệnh như BC15, Xi23,...để có kế hoạch phòng trừ sớm.
Nguồn: Sở NN&PTNT Nghệ An
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)