Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5458
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi quay trở lại (10/12/2020)

           Cuối tháng 10/2020, trên địa bàn thành phố phát hiện và tiêu hủy 12 con lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 2 hộ làm dịch vụ giết mổ lợn trên địa bàn xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy. Nguy cơ bùng phát dịch tả lợn Châu Phi có thể quay trở lại nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, bà con cần nắm rõ những biểu hiện của bệnh cũng như các biện pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế cũng như hạn chế tác dụng xấu của dịch bệnh.

1. Biểu hiện bệnh:

- Các dấu hiệu lâm sàng thường xuất hiện khoảng 5 - 15 ngày sau khi lợn bị nhiễm bệnh. Điều đầu tiên và dễ dàng nhận thấy nhất là lợn bị sốt cao (41 - 42 độ C), biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi).

- Trong trường hợp lợn sống sót qua vài ngày, chúng có thể phát thêm các dấu hiệu bệnh thần kinh. Những con lợn chết trong thời gian đầu trông thường khỏe mạnh, không khác gì lợn thường. Nhưng vẫn có các vùng đỏ hoặc tím xanh ở các chi, bụng và ngực. Có thể có máu chảy ra từ mũi và miệng, mủ chảy ra từ mắt và phân lẫn máu.

- Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống. Lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím.

- Trong 1 - 2 ngày trước khi chết, lợn có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu.

2. Biện pháp phòng bệnh:

Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, vì vậy bà con cần nắm rõ một số biện pháp phòng bệnh để phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phạm vi còn nhỏ và chưa lây lan như:

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với lợn. 

- Lập tức cách ly lợn nghi bị bệnh hoặc lợn bị bệnh. 

- Tránh để mầm bệnh phát tán ra bên ngoài bằng cách diệt các sinh vật trung gian truyền bệnh như muỗi, ruồi,...

- Không mua bán lợn chưa xác định được nguồn gốc xuất xứ.

- Đảm bảo thức ăn hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi./.

PV tổng hợp