Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 16130
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Nguyên tắc phòng ngừa dịch cúm gia cầm (30/09/2020)

            Cúm gia cầm là bệnh dễ lây lan và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên có thể gây chết người và chết gia cầm hàng loạt. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa ban hành công điện khẩn gửi các đơn vị, sở ngành liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát, phòng chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố. Để triển khai phòng chống dịch, bà con cần nắm rõ các thông tin về dịch bệnh và chủ động thực hiện một số nguyên tắc phòng ngừa để hạn chế tác hại dịch bệnh gây ra.

1. Đường lây cúm A(H5N1) sang người

Vi rút cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm bị bệnh hoặc bất kỳ bộ phận nào của gia cầm bị bệnh (bao gồm cả phân và lông) sang người qua tiếp xúc. Sự lây nhiễm có thể xảy ra qua các đường sau:

 - Qua tiếp xúc trực tiếp như: Giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh.

- Qua ăn, uống: Thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh.

2. Các dấu hiệu của cúm A(H5N1) ở người:

Người bị cúm A/H5N1 thường có những dấu hiệu sau:

- Sốt cao đột ngột (trên 380C), đau đầu; đau nhức cơ; ho khan; đau họng; mệt mỏi rã rời; tiêu chảy.

- Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

3. Phòng ngừa bệnh cúm A(H5N1):

 - Tránh tiếp xúc với gia cầm gây bệnh: Nguy cơ bị bệnh cao nhất là khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh. Vì vậy, khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

+ Nếu gia đình có nuôi gia cầm, khi dọn dẹp sân chuồng nên đeo khẩu trang, tiêu hủy chất thải của gia cầm một cách an toàn, ở xa nơi sinh hoạt và chăn nuôi.

- Tuân thủ quy tắc an toàn khi giết mổ gia cầm: Nếu phải giết mổ gia cầm, cần tuân theo quy tắc an toàn như đeo khẩu trang, găng tay, tránh tiếp xúc với chất thải, lông, máu và nội tạng của gia cầm. Sau khi mổ phải rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn.

- Giữ vệ sinh: Giữ vệ sinh là khâu vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, trong đó quan trọng nhất là rửa tay. Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; rửa tay trước và sau khi ăn; rửa tay sau khi tiếp xúc với bất kì bộ phận nào của gia cầm... Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là tốt nhất vì xà phòng có khả năng sát khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh.

+ Giữ vệ sinh khi chế biến thức ăn bằng cách dùng riêng dao, thớt cho thức ăn sống và thức ăn chín. Thực phẩm cần nấu chín kỹ, nhất là thịt và trứng gia cầm, vì nếu không các vi khuẩn sẽ không chết đi và vẫn có khả năng gây bệnh.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.

P.V tổng hợp