Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2273
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Những lưu ý phòng, trừ sâu bệnh hại lúa xuân (28/04/2021)

             Hiện nay, cây lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, có nơi đã trổ bông. Đây là giai đoạn cây lúa hết sức mẫn cảm với các loại đối tượng sâu bệnh gây hại. Để đảm bảo năng suất thu hoạch, bà con nông dân cần tăng cường tập trung thăm đồng, chăm sóc, kịp thời phát hiện và phòng trừ các loại sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, rầy các loại Cụ thể:

1. Đối với bệnh đạo ôn:

Cần kiểm tra kỹ trên các giống như BC15, TBR225, Thiên ưu 8, các giống lúa nếp,  trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa phân đạm... để chủ động phòng trừ khi bệnh mới phát sinh, bằng các loại thuốc như Filia 525SC, Fujione 40EC, Trizole 400SC hoặc 75WP, Kabim30WP, Bump 650WP, Katana 20SC ...

2. Đối với sâu cuốn lá nhỏ:

Cần kiểm tra cụ thể từng trà lúa, giống lúa, từng cánh đồng cụ thể, nhất là các trà lúa gieo muộn, ruộng có mật độ gieo dày, ruộng tốt do bón thừa phân đạm… để phòng trừ kịp thời và có hiệu quả. Đặc biệt, cần chú ý theo dõi diễn biến của rầy giai đoạn trước và sau trổ để phòng trừ kịp thời và hiệu quả.

3. Bệnh khô vằn:

Phun khi bệnh chớm xuất hiện, nên lưu ý các ruộng trũng bón nhiều đạm, cấy to, cấy dầy, chọn một trong các loại thuốc trừ phổ rộng như: Nevo 330EC, Tilt super 300EC, Newsuper 330EC, Superone 300EC, Validacin 5SL,…

4. Rầy các loại:

Vụ xuân, rầy thường tập trung hại ở lứa 2 - 3 vào cuối tháng 4. Trước khi phòng trừ, cần điều tra xác định mật độ, diện tích cần phun, thời gian rầy cám nở rộ, giai đoạn sinh trưởng và tình trạng của cây, phun khi rầy chủ yếu ở tuổi 1,2. Các loại thuốc có thể sử dụng gồm: Chess 50WG, Winter 635EC, Penatyold 50EC, Hichespro 50WP, ...

Theo dự báo, thời điểm hiện tại đang là giao mùa, nguy cơ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, nhiệt độ cao, mưa giông, gió giật mạnh làm đổ ngả lúa đang giai đoạn trổ bông. Đồng thời, mưa nắng xen kẽ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng như bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầy các loại, sâu cuốn lá, nhện gié… có khả năng phát sinh, gây hại làm giảm năng suất, sản lượng thu hoạch./.

Nguồn: PV tổng hợp