Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 38622
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Những vấn đề lưu ý trong vụ mùa 2015 (06/07/2015)

Vụ mùa 2015, áp lực thời vụ tuy không cao, vì lúa xuân thu hoạch sớm, tuy nhiên bà con nông dân cần tuân thủ các giải pháp kỹ thuật sau:

- Sau thu hoạch lúa xuân, bà con tranh thủ cày, lồng vận rạ càng nhanh, càng tốt, giữ nước mặt ruộng và sử dụng thêm các chế phẩm như Tricoderma, phân vi sinh đa chủng đa chức năng… bón rải mặt ruộng, để hỗ trợ quá trình phân hủy rơm rạ, tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa sau cấy, nhất là với trà lúa mùa sớm. Đây cũng là giải pháp bổ sung hữu cơ cho đất, tránh đốt rơm rạ gây ngột ngạt và ô nhiễm môi trường.

 

- Vệ sinh đồng ruộng, sơn bờ, cuốc góc để hạn chế nguồn sâu bệnh, kết hợp san phẳng mặt ruộng, giúp cho quá trình tưới tiêu thuận lợi.

 - Tổ thủy nông, HTX dùng nước cần chủ động sớm trong việc khơi thông mương máng, vớt bèo bồng trên các trục sông tiêu, đầu các cống tiêu lớn, kiểm tra vận hành hệ thống điều khiển cống tiêu, các máy bơm tiêu úng, đảm bảo tốt năng lực tưới và tiêu úng nhanh nhất.

- Về kỹ thuật: Sử dụng các giống lúa ngắn ngày; mở rộng trà mùa sớm, cực sớm để khi có nguy cơ mưa lớn gây ngập úng thì cây lúa đã ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, lá đã vươn, tránh được khả năng ngập sâu trong nước; giai đoạn này chỉ cần thò chóp lá đã có thể không bị thiệt hại.

Một số vùng, bà con nông dân để lúa chét sau thu hoạch lúa xuân, thâm canh lúa chét cho thu hoạch 100-130 kg/sào Bắc bộ, tương đương 3,1-3,3 tấn/ha, trong khi phải bỏ ra chi phí rất thấp, lãi thu được từ thâm canh lúa chét cao gấp 1,5-2 lần cấy lúa mùa sớm hoặc chính vụ.

Cái được lớn hơn là tháng 9 bà con đã có quỹ đất để làm các cây vụ đông, rau màu ưa ấm, ngô thu đông cho năng suất và giá trị rất cao.

Cần tuân thủ chủ trương quy hoạch vùng đối với các trà lúa, giống lúa để gắn với mùa vụ và biện pháp kỹ thuật cũng như chủ động trong các biện pháp phòng chống úng ngập. Có phương án dự phòng giống nhóm ngắn ngày đề phòng bất trắc.

 Hạn chế sử dụng các giống lúa mẫn cảm với bạc lá, với dự báo như vụ mùa năm nay, nguy cơ bệnh lan thành dịch rất cao. Các giống lúa chất lượng nên bố trí né vùng thường xuyên có ổ bệnh hàng năm.

Các biện pháp canh tác cần được thông tin, hướng dẫn cặn kẽ cho nông dân, bệnh bạc lá cần được theo dõi chặt ở các ổ bệnh, điều tiết phân bón và phun phòng bằng một số loại thuốc khi mới chớm bệnh theo hướng dẫn của cán bộ BVTV.

Bón phân cho lúa vụ mùa cần tuân thủ nguyên tắc: "Nhìn cây, nhìn đất và nhìn trời"; bón lót sâu, sử dụng phân bón chậm tan và "nặng đầu, nhẹ cuối", bón NPK hỗn hợp hoặc phức hợp, cân đối đạm, lân, kali.

Hạn chế bón nuôi đòng bằng đạm urê, nhất là với các giống lúa chất lượng mẫn cảm với bạc lá để lá công năng không bị hư hại, bổ sung các chất trung, vi lượng, đặc biệt silic dạng nano dễ tiêu để tăng cường sức chống đỡ, ngăn cản xâm nhập của nấm và vi khuẩn vào mô cây. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại, mưa bão.

Phương châm dùng nước cho lúa vụ hè thu, mùa là “Rút cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng”, luôn đề phòng và chủ động tiêu úng là chính, ông cha ta cũng đã đúc rút kinh nghiệm “Chiêm chết khô, mùa chết úng” là vậy. Thực tế cho thấy, mặc dù đối mặt với nhiều bất lợi, nhưng nếu chúng ta chủ động, tiên lượng được tình hình, vào cuộc chỉ đạo sớm, quyết liệt vụ lúa mùa vẫn có thể giành thắng lợi.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam