Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 16175
Tổng truy cập : 57,998

Mô hình mới - Sản phẩm mới

Nuôi chim trĩ - Mô hình làm giàu mới ở Phú Thọ (01/10/2012)

Gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu ở tổ 7, khu Núi Trang, thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) thường được nhắc đến là một trong những người tiên phong đầu tư nuôi chim trĩ ở địa phương. Đến nay, gia đình anh đã có khu chuồng trại nuôi, nhân giống chim quí hiếm, tạo thêm một cơ hội để làm giàu bằng chăn nuôi.

Năm 2010, được người quen giới thiệu, anh Hiếu vào miền Trung mua về 30 con chim trĩ đỏ, trong đó có 20 con mái và 10 con trống với giá trị gần 30 triệu đồng. Anh làm thủ tục đăng ký với kiểm lâm huyện cho phép chăn nuôi và kinh doanh chim trĩ đỏ và tiếp tục đầu tư làm chuồng bằng khung sắt với số tiền trên 30 triệu đồng. Sau gần hai năm, đến nay chuồng nuôi của gia đình anh đã có gần 1.000 con chim trĩ. Chim trĩ mái sau hơn nửa năm nuôi có trọng lượng từ 1,5 - 2 kg là có thể đẻ trứng. Chim trĩ đỏ thường đẻ từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch. Mỗi năm chúng thường đẻ làm hai đợt. Đợt một đẻ khoảng 60 – 70 trứng, sau đó nghỉ thay lông và đẻ tiếp khoảng 30 trứng trong tháng 10. Kĩ thuật chăn nuôi chim trĩ đỏ rất đơn giản: Từ khâu úm con giống, chăm sóc, thời kì đẻ trứng đến cho ăn, uống cơ bản giống như gà. Chim trĩ từng có tên trong sách đỏ và là động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng, do trong thiên nhiên chim trĩ chỉ biết đẻ, mà không có bản năng ấp: Những con chim non chỉ nở thành công khi chim trĩ mẹ đẻ vào ổ một loài chim khác để nhờ ấp. Do vậy, gia đình anh Hiếu tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng quy mô 100 trứng/mẻ để cung cấp con giống cho thị trường. Hiện nay, trứng chim được bán với giá 50.000 đồng/quả, chim non từ 100.000 - 200.000 đồng/con, con trưởng thành có giá khoảng gần 1 triệu đồng/con. Năm 2011 là năm đầu tiên anh bán con giống, trứng và chim trưởng thành đã cho gia đình có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng.

Về kỹ thuật làm chuồng nuôi chim trĩ, anh Hiếu cho biết: Chim trĩ thích nghi tốt ở nhiều điều kiện địa hình và vùng khí hậu cho nên việc làm chuồng trại khá đơn giản, có thể tận dụng các khu chuồng nuôi cũ, hoặc nhà kho, xưởng sau đó cải tạo lại, miễn sao đảm bảo vệ sinh, thoáng mát và kín để chim không bay đi mất.

Anh Hiếu cho biết: “Nuôi chim trĩ không khó, thậm chí còn an tâm hơn nuôi gà, vì chim trĩ là động vật hoang dã nên sức đề kháng với dịch bệnh tốt hơn các loại gia cầm truyền thống. Khi nhỏ, sử dụng loại cám viên dùng cho gà con, sử dụng loại máng ăn, uống tự chế hoặc máng dùng cho gà đảm bảo vệ sinh. Nên cho lượng cám và nước vừa đủ, khi chim ăn hết nhấc máng ra vệ sinh và thay nước mới, tránh để nước lưu lại sang ngày thứ 2. Với chim nhỏ sức đề kháng yếu, phải sử dụng loại nước cất hoặc nước đun sôi để nguội cho chim uống. Khi chim lớn hơn, chừng được 2 tháng tuổi, cho chúng ăn các loại thức ăn như: Thóc, ngô, sắn và rau các loại. Lượng thức ăn của chim trĩ chỉ bằng khoảng 1/5 lượng thức ăn của gà, trong khi đó, lợi nhuận từ nuôi chim trĩ cao gấp nhiều lần so với nuôi gà”.

Với lòng say mê nuôi chim trĩ, anh Hiếu đang tiếp tục đầu tư nhân giống chim trĩ xanh là một trong những loài chim trĩ cực kỳ quý hiếm của Việt Nam và có giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần chim trĩ đỏ. Mô hình nuôi chim trĩ của gia đình anh Hiếu có rất nhiều khách hàng tìm đến để mua con giống và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi với nhu cầu làm chim cảnh và làm kinh tế gia đình. Đây là một trong những hướng phát triển kinh tế hộ không cần đầu tư chuồng trại lớn và có thể tận dụng được thức ăn tự nhiên trên một diện tích vừa phải, cho nên nhiều gia đình đều có thể nuôi được, để nâng cao thu nhập và góp phần bảo tồn loài chim trĩ - động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam.  

Nguồn: báo Phú Thọ