Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 71323
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Phân bón giả tràn lan trên thị trường (01/10/2013)

Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình hình phân bón giả đang diễn biến phức tạp. Phân bón nhái nhãn mác được làm ở một số công ty, tổ hợp nhỏ lẻ, nơi vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Một số đơn vị ở các địa bàn tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Phòng, bị phát hiện là in nhãn mác của các Công ty: Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Phân bón Supe Phốt phát Lâm Thao, Công ty Phân bón miền Nam, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Tập đoàn Quế Lâm…

Từ năm 2012 và 8 đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.372 vụ, xử lý 1.390 vụ, tổng tiền phạt là 17,2 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại.

Nhiều sản phẩm được quảng cáo trên bao bì là hàm lượng dinh dưỡng 53% nhưng khi cơ quan chức năng kiểm định thì tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 2,9%...

Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đánh giá: “Tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Có nhiều vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như việc phân bón kém chất lượng được sản xuất tại Trung Quốc”.

Để chủ động tránh mua phải phân bón giả, bà con có thể nhận biết phân bón kém chất lượng theo một số phương pháp như sau:

* Phân Clorua Kali (MOP, KCL) chứa 60% K2O

Màu sắc đặc trưng: đỏ hồng, hồng nhạt, đỏ tím và màu trắng, đây là loại phân bị làm giả, làm nhái nhiều nhất.

Phân Kali thật là loại phân nhập khẩu 100%, có hàm lượng K2O ≥ 60%. Nếu trên bao bì không ghi hàm lượng K2O chiếm 60% thì đều là hàng giả, hàng nhái. 

Cách thử phân Kali thật: Cho vào một chiếc cốc thủy tinh nhỏ, trắng và trong suốt khoảng 50-100ml nước sạch. Thả chừng 3-5 gram sản phẩm vào trong cốc nước để làm thực nghiệm và quan sát kết quả. Phân thật, cốc nước chưa có màu hồng đỏ, một phần chìm xuống nước, một phần vẫn nổi trên mặt cốc nước. Sau khi khuấy mạnh, dung dịch chuyển sang màu hồng nhạt, không vẩn đục, có váng đỏ bám quanh thành cốc và phân tan hết. Còn phân giả, cốc nước lập tức có màu hồng đỏ, toàn bộ phân chìm xuống và tan rất nhanh. Sau khi khuấy mạnh, dung dịch có màu hồng đỏ, vẩn đục, không có váng đỏ bám quanh thành cốc, có thể để lại cặn không tan hết.

* Phân Sunphát Kali (SOP, K2SO4) Chứa 50% K2O

Màu trắng, hạt nhỏ hoặc bột. Loại này dễ bị làm giả khi trộn lẫn với bột đá vôi hoặc bột vôi sống, bột đất sét trắng.  Cách phân biệt: cho 7-10 gram phân vào cốc nước trong, Sunphát Kali (SOP) thật tan hết trong nước, dung dịch có màu trong suốt. Phân giả không tan hết, để lại cặn lắng hoặc dung dịch vẩn đục.

* Phân Urê:

 Có hai loại phân Urê chính: loại hạt trong (Prilled UREA) và hạt đục (Granular UREA), cả hai loại đều có công thức hóa học và hàm lượng ni-tơ như nhau, tối thiểu là 46%.

 - Phân Urê hạt trong là loại phân khó làm giả, tuy nhiên đã xuất hiện loại kém chất lượng bằng cách trộn phân SA vào phân Urê theo một tỷ lệ nhất định do phân SA rẻ hơn phân Urê.

Phân Urê thật có dạng hạt tròn, nếu lẫn phân SA thì các hạt phân SA có dạng tinh thể, nhiều góc cạnh. Hiện nay nước ta chỉ có 2 nhà máy sản xuất được Urê hạt trong là Đạm Hà Bắc và Đạm Phú Mỹ, còn lại là Urê nhập khẩu. Do đó, phân Urê của các cơ sở sản xuất khác trong nước đều là hàng giả.

- Phân Urê hạt đục là loại phân chậm tan, hạt to, cứng, màu trắng đục như sữa. Đây là loại phân nhập khẩu 100%, rất khó làm giả.

* Phân hỗn hợp NPK:

 Phân NPK chia ra làm 2 nhóm:

- Nhóm phân khoáng trộn: được phối trộn các loại phân nguyên liệu chứa đạm, lân và kali với nhau theo một tỷ lệ nhất định. Nhóm này có công nghệ sản xuất đơn giản, nhưng sản phẩm làm ra khó làm giả mà chỉ có thể làm kém chất lượng. 

- Nhóm phân phức hợp: được sản xuất bằng cách nghiền nhỏ, trộn đều các loại nguyên liệu thành phần, sau đó tạo thành các hạt phân tổng. Nhóm này dễ bị làm giả, làm nhái bằng cách vê viên các nguyên liệu rẻ tiền như đất mùn, than bùn, bột sét, bột màu… tạo thành sản phẩm có hình dáng và màu sắc giống như hàng thật. 

Nguồn: Thanh Niên, Cục Trồng trọt