Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4381
Tổng truy cập : 57,998

Mô hình mới - Sản phẩm mới

Phòng bệnh bằng biện pháp sinh học cho giàn mướp đắng (30/09/2020)

            Năm 2018, nhờ những kiến thức quý báu có được khi tham gia lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tổ chức mà diện tích 500 m2 mướp đắng của bà Nguyễn Thị Lâm vừa phòng trừ được sâu bệnh, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi đất được cày ải, làm sạch cỏ dại, bừa nhỏ vừa phải, lên luống rộng 1m, cao 25cm, rãnh rộng 20cm và dùng bạt plastic phủ luống, bà Lâm tiến hành trồng 1 hàng mướp đắng trên 1 luống, cây cách cây 45 - 50 cm. Giàn mướp được bà căng dây lưới nilon cho cây leo, làm cao trên 1,4 m tạo không gian thoáng đãng. Phương pháp trồng mướp đắng trên luống có phủ plastic và căng lưới nilon làm giàn này nâng cao hiệu suất quang hợp, hấp thụ dinh dưỡng của cây, hạn chế được sâu bệnh, bệnh lây nhiễm, cỏ dại và điều hòa được độ ẩm trong đất, dinh dưỡng không bị trôi rửa.

Mướp đắng sau khi gieo 45 - 50 ngày bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 - 5 tháng tùy theo mức độ chăm bón của từng hộ gia đình. Riêng nhà bà Lâm thu hoạch mướp đắng từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 7 mà vườn vẫn rất sai quả.

Để cây mướp đắng cho hiệu quả cao, ít sâu bệnh, bà Lâm sử dụng phân hữu cơ vi sinh, bón phân vào thời điểm khi cây bắt đầu bám giàn; thường xuyên tưới đầy đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa; phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn bằng biện pháp sinh học nên cây khỏe mạnh, ra quả nhiều và quả to đẹp. Nhờ đó mọi người biết đến và rất tin dùng, mua mướp đắng nhà bà Lâm với giá cao hơn thị trường từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.

Bà Lâm chia sẻ, để bẫy các loại ruồi giấm, ruồi vàng, ruồi cái và các loại côn trùng khác, bà dùng băng keo dính vàng sinh học. Bên cạnh đó, bà cũng tự làm chế phẩm sinh học từ rượu, gừng, tỏi, ớt. Cứ đều đặn một tuần, bà tiến hành pha loãng dung dịch và phun một lần vào lúc chiều mát để phòng ngừa sâu bệnh cho mướp đắng.

Ngoài ra, tận dụng nguồn phân chuồng nuôi bò, bà thường xuyên ủ phân bằng chế phẩm Trichoderma để tạo nguồn phân hữu cơ bón cho vườn mướp.

Với những biện pháp chăm sóc này, gần như ngày nào bà cũng có mướp đắng để thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, thu nhập mà mướp đắng mang lại cho bà những tháng đỉnh điểm có thể lên tới 20 triệu đồng, cao hơn các loại rau màu khác.

Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn bằng sinh học nên sản phẩm tạo ra vừa an toàn lại mang lại thu nhập cao giúp gia đình bà Lâm vươn lên làm giàu chính đáng./.

Nguồn: Khuyến nông quốc gia