Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 399
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Phòng chống bệnh bạc lá lúa vụ mùa 2013 (14/08/2013)

Thời tiết vụ mùa năm nay cũng như hàng năm có nhiều giông bão, mưa to, gió lớn làm cho lá lúa bị tổn thương (rách, giập lá…), tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh bạc lá lúa. Những năm gần đây, vào vụ mùa, bệnh bạc lá trên lúa có xu hướng phát triển, mức độ gây hại tăng.

Vụ mùa năm nay, thành phố gieo cấy trên 30 giống lúa, trong đó đã có khoảng 15 giống lúa bị bệnh bạc lá từ trung bình đến nặng như các giống Bắc thơm 7, HT1, HT6, VT404, TBR45, HYT100, Bte 1, VL20, D.ưu 527, BC 15, Khang dân 18, Bắc ưu 903…

Thời tiết vụ mùa năm nay diễn biến rất bất thường, đến đầu tháng 8/2013 đã có tới 6 cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hải Phòng. Dự báo, từ nay đến cuối vụ, sẽ còn có nhiều cơn bão, nhiều trận mưa giông, đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá phát sinh, phát triển, gây hại cho lúa, đặc biệt là từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi.

Để phòng chống bệnh bạc lá lúa, hiện nay có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký để phòng trừ bệnh này. Tuy nhiên, theo kết quả khảo nghiệm của Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố những năm gần đây (từ năm 2005 – 2012), các loại thuốc đăng ký phòng trừ bệnh bạc lá lúa có hiệu quả đối với bệnh thường không cao, tác dụng phòng bệnh hạn chế, thuốc chỉ có khả năng tăng sức đề kháng của cây lúa đối với bệnh.

Để chủ động phòng chống và hạn chế thiệt hại do bệnh bạc lá lúa gây ra, bà con cần:

- Chăm sóc lúa theo kỹ thuật canh tác lúa cải tiến, bón cân đối N-P-K, bón tập trung “nặng đầu, nhẹ cuối”, không bón thừa, bón muộn phân đạm.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là sau những đợt mưa giông bão. Khi thấy bệnh xuất hiện, dừng ngay việc bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, các loại phân bón qua lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng. Khi bệnh đã phát triển trên đồng ruộng thì việc phun thuốc hóa học thường không hiệu quả. Tuy nhiên, tại những vùng thường xuyên nhiễm bệnh bạc lá lúa, đặc biệt là những giống nhiễm nặng (Bắc thơm số 7, HT1, HYT100, VL20, D.ưu 527, BC15…) có thể sử dụng một số loại thuốc để phun phòng bệnh nhưng phải phun sớm, nhất là trước hoặc ngay sau các đợt mưa giông, kết hợp chăm bón lúa cân đối, hợp lý.

Nguồn: Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Phòng