Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 10874
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ (29/08/2014)

Hiện nay đang là đầu mùa thu, thời tiết nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao là thời điểm thuận lợi cho dịch đau mắt đỏ phát triển. Vài tuần gần đây, số người mắc bệnh này trên địa bàn thành phố liên tục tăng cao. Tại khoa Mắt các bệnh viện, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Bệnh có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản, vì thế, bà con cần chú ý thực hiện để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp do vi-rút Adeno gây ra. Trong cuộc sống, một người có thể mắc đau mắt đỏ nhiều lần. Người mắc đau mắt đỏ thường có triệu chứng sưng nề mí mắt, chảy nước mắt, đùn dỉ mắt nhiều. Mắt người bệnh thường đỏ sọng, bị cộm, vướng như có cát ở mắt. Khi gặp ánh sáng, mắt bị chói, không thể mở ra bình thường. Cơ thể người bệnh mệt mỏi, gần giống biểu hiện của cúm vi-rút, một số trường hợp bị sốt nhẹ. Bệnh ban đầu xuất hiện ở một mắt, sau 2 đến 3 ngày sẽ lan tiếp sang mắt còn lại.

 Do lây truyền qua đường hô hấp nên đau mắt đỏ rất dễ bùng phát thành dịch. Vi-rút Adeno có trong nước mắt, nước bọt của người bệnh phát tán ra môi trường hoặc lây sang người lành qua những hành vi như dùng chung khăn mặt, gối, mắt kính, sử dụng chung nguồn nước nhiễm mầm bệnh như nước ao, hồ, bể bơi. Người bệnh cũng có thể phát tán mầm bệnh qua việc dụi mắt rồi bắt tay với người lành.

Tuy đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ nhưng đây là bệnh lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên, nó ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và làm việc của người bệnh. Nếu điều trị không hợp lý, bệnh sẽ kéo dài gây nhiều tổn thương ở giác mạc có thể dẫn đến giảm thị lực sau này.

 Mầm bệnh đau mắt đỏ có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể trở thành nguồn lây sau khi khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Người bị đau mắt đỏ cần được nghỉ ngơi, cách ly, thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% để loại bỏ mầm bệnh và vi khuẩn. Người bệnh tuyệt đối không được tự mua và điều trị bằng các loại thuốc chứa corticoid, tránh biến chứng nguy hiểm với mắt. Tốt nhất, gia đình nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để khám, điều trị đúng thuốc, đúng liều lượng với diễn biến từng trường hợp bệnh.

Khi trong nhà có người mắc đau mắt đỏ, người thân nên chủ động thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không dùng chung đồ dùng sinh hoạt trong nhà đề phòng lây bệnh.

Nguồn: baohaiphong.com.vn