Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 35378
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Phòng, chống dịch cúm gia cầm (09/11/2015)

Hiện nay, trên một số địa phương xuất hiện dịch cúm gia cầm, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, bà con cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, nhằm bảo vệ đàn gia cầm không bị xâm nhập của mầm bệnh như: vi rút, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng và các tác nhân gây bệnh khác. Ngoài ra, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Khi chưa xảy ra dịch cúm

a. Đối với các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung:

- Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, thường xuyên quét dọn, thu gom phân, rác, chất độn chuồng để đốt, chôn, hoặc ủ vôi bột;

- Tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần một lần bằng các loại thuốc sát trùng như Povidine 10%, Benkocid… hoặc vôi bột.

b. Đối với chăn nuôi hộ gia đình:

- Thực hiện nuôi nhốt gia cầm;

- Quét dọn sạch sẽ khu nuôi chuồng gia cầm, bao gồm cả nơi chăn thả; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt, chôn hoặc ủ vôi bột;

- Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi gia cầm và khu vực phụ cận mỗi tuần 1 lần bằng các loại thuốc sát trùng như Povidine 10%, Benkocid… hoặc vôi bột.

c. Đối với cơ sở ấp gia cầm, thủy cầm:

- Phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực nuôi ấp, đường ra vào cơ sở ấp trứng, thu gom vỏ trứng sau ấp nở để tiêu hủy.

- Phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở.

2. Khi xảy ra dịch cúm

a. Khai báo và xử lý ổ dịch:

- Các hộ chăn nuôi khi phát hiện gia cầm có các dấu hiệu của bệnh cúm gia cầm, cần khẩn trương báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương;

- Nhốt riêng gia cầm mắc dịch sang khu vực khác;

- Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi;

- Không bán chạy, vận chuyển gia cầm đang mắc bệnh ra khỏi địa phương khi chưa có kết luận của cơ quan thú y có thẩm quyền.

b. Xử lý tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh:

- Thu gom và tiêu hủy tất cả các gia cầm mắc bệnh, tránh lây lan và làm ô nhiễm môi trường.

- Biện pháp tiêu hủy: chôn hoặc đốt gia cầm.

+ Biện pháp chôn gia cầm: Vị trí chôn gia cầm phải cách biệt, xa nguồn nước, xa khu dân cư, xa chuồng trại chăn nuôi. Dùng bao nilon lớn hoặc bao tải dứa cho gia cầm vào, buộc chặt miệng bao, phun thuốc sát trùng, chở đến nơi tiêu hủy. Đào hố sâu 2,5-3m, trải một lớp nilon trên toàn bộ bề mặt đáy và thành hố, đổ xác gia cầm xuống. Trước khi đổ, dùng dao rạch cho rách bao chứa gia cầm để dễ phân hủy. Phun thuốc sát trùng hoặc đổ vôi bột lên trên bề mặt lớp gia cầm và lên đất. Chú ý khoảng cách từ mặt trên lớp gia cầm đến miệng hố tối thiểu 1,0 đến 1,5m, lèn đất thật chặt trên bề mặt.

+ Biện pháp đốt gia cầm: Đốt xác gia cầm dưới hố bằng củi, than, xăng, dầu… sau đó lấp đất lại và nện chặt như cách chôn gia cầm. Đối với chất thải gia cầm (phân, rác…) thu gom lại và đốt ngay tại khu vực chuồng nuôi, sau đó khử trùng bằng các loại thuốc sát trùng hoặc vôi bột.

Nguồn: PV tổng hợp