Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 26196
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Phòng trừ một số bệnh vi khuẩn hại lúa bằng nước vôi (27/04/2015)

Các bệnh vi khuẩn gây hại lúa thường rất khó trừ, hoặc có trừ nhưng hiệu quả rất thấp. Bệnh thường có tính chất lây lan nhanh, nhất là sau những đợt mưa.

 

Chúng tôi xin giới thiệu tới bà con kinh nghiệm dùng nước vôi để phòng trừ một số bệnh vi khuẩn gây hại chủ yếu trên các trà lúa. Phương pháp này đã được kiểm chứng trên thực tiễn đồng ruộng và mang lại hiệu quả.

1. Bệnh vàng lá vi khuẩn

Khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh, các ruộng trũng có nước ngập thường xuyên, ruộng có điều kiện thâm canh cao, bón phân không cân đối… thường bị bệnh vàng lá vi khuẩn gây hại nặng.

Triệu chứng: Biểu hiện đầu tiên là ruộng lúa bị vàng từng chòm, nhất là ở những nơi trũng hoặc dọc theo mương dẫn nước. Sau đó bệnh lây lan rất nhanh khi gặp mưa và gió lớn hoặc sau những ngày bón thúc phân đạm.

 Bệnh bắt đầu từ chóp lá sau lan dần xuống mép lá và phiến lá. Vết bệnh có mầu vàng xỉn và các vệt mầu nâu nhạt chạy dọc theo gân lá. Khi bị nhiễm bệnh nặng, toàn ruộng lúa bị nhiễm vàng và lụi theo từng chòm.

 Biện pháp phòng trừ:

- Khi lúa bị bệnh cần tháo cạn nước ra khỏi ruộng, chỉ cần giữ cho đất ruộng đủ ẩm, sau 5-7 ngày lại tháo nước vào ruộng.

- Dùng nước vôi loãng phun lên lá lúa. Nếu bệnh nhẹ chỉ cần phun một lần, bệnh nặng phải phun ít nhất 2-3 lần, cách nhau 4-5 ngày. Khi gặp trời mưa nhiều phải phun cách nhau 3 ngày một lần. Nếu trời nắng ráo phun cách nhau 6-7 ngày một lần.

Sử dụng các loại vôi tôi ngâm trong nước qua một đêm, sau khuấy lên, để lắng và lọc lấy nước trong để phun. Lượng vôi dùng từ 0,8-1,0 kg vôi đã tôi/bình 8 lít nước. Có thể pha nước vôi đặc rồi mang ra ruộng pha thêm nước cho đạt liều lượng để phun.

2. Bệnh lép vàng vi khuẩn

Triệu chứng: Bệnh thường xảy ra khi lúa trỗ bông, lúa đang ngậm sữa đến vào chắc. Bệnh lép vàng thường gây hại chủ yếu trên hạt, ngoài ra còn gây hại trên lá lúa. Các hạt bị hại nặng thường lép và cong xuống. Nếu tách hạt lúa bị bệnh lép vàng sẽ thấy hạt gạo bị thối đen và có mùi tanh.

Bệnh lép vàng lây lan rất nhanh, nhất là sau các đợt mưa có kèm theo gió lốc, khi bị bệnh nặng làm giảm năng suất lúa từ 10-20 % .

Biện pháp phòng trừ: Khi phát hiện bệnh trên đồng ruộng cần dùng ngay nước vôi để phun, nên phun cách nhau 3-4 ngày (liều lượng và cách pha nước vôi như ở phần trên). Những chân ruộng đã có bệnh lép vàng của những năm trước cần phun nước vôi loãng trước khi lúa trỗ nhằm bảo vệ bông và hạt lúa.

3. Bệnh cháy bìa lá lúa (bệnh bạc lá)

Triệu chứng: Bệnh thường gây hại nặng trên các giống lúa lai và các giống lúa có chất lượng cao, khi bón phân không cân đối nhất là bón thừa đạm. Bệnh có thể xuất hiện từ giai đoạn mạ, nhưng bệnh phát triển mạnh khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh đến trỗ chín. Tuy nhiên, bệnh gây hại nặng và chủ yếu khi lúa bước vào giai đoạn đứng cái - làm đòng.

Bệnh tạo lên những vết cháy màu xám hoặc vàng nâu, nâu đỏ chạy dọc theo hai bên mép lá, vết bệnh lan dần xuống dưới và gân chính của lá. Bệnh lây lan rất nhanh nhất là sau các đợt mưa giông, bệnh gây thiệt hại lớn đến năng suất và chất lượng lúa gạo.

Biện pháp phòng trừ: Khi lúa đã bị bệnh, dùng các loại thuốc hóa học để phun trừ bệnh bạc lá thường mang lại hiệu quả thấp. Do đó, phải thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh trên đồng ruộng để có biện pháp đối phó kịp thời và hiệu quả. Khi phát hiện bệnh cần dừng ngay bón thúc đạm (bón đón đòng).

Có thể phun nước vôi loãng 2-3 lần tuỳ thuộc mức độ của bệnh trên đồng ruộng với liều lượng và cách pha chế như trên. Biện pháp này làm chậm quá trình phát triển của bệnh, hạn chế ảnh hưởng tới năng suất lúa. Nếu gieo cấy các giống lúa nhiễm bệnh, cần dùng nước vôi phun phòng khi lúa bước vào giai đoạn đứng cái.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam