Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11054
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết (19/05/2014)

UBND thành phố vừa có công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Theo Công điện, từ đầu năm 2014 đến nay, dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết xảy ra tại hầu hết tại các tỉnh và thành phố, tuy số người mắc bệnh ở mức thấp hơn so với năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát.

Đến nay, cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó đã có 2 người bệnh tử vong; 7.931 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 04 người bệnh tử vong. Tại Hải Phòng, đã ghi nhận khoảng 230 trường hợp mắc tay chân miệng và 29 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Để chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, bà con cần thực hiện một số biện pháp phòng chống như sau:

Đối với bệnh tay chân miệng

- Một trong những biện pháp đơn giản, hiệu quả phòng chống bệnh tay chân miệng là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ nhỏ).

- Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà... Người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống…

- Thường xuyên theo dõi sức khỏe cho trẻ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Đối với bệnh sốt xuất huyết

Do không có thuốc đặc trị, chưa có vaxin phòng ngừa, phòng chống bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng ngừa muỗi cắn.

- Diệt lăng quăng: Làm nắp đậy kín các lu khạp chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng. Cọ rửa và thay nước (ít nhất 1 tuần 1 lần) ở lu, khạp, bình bông...  Thả các loại cá nhỏ (cá bảy màu) thả vào lu, hồ chứa nước để cá ăn lăng quăng. Bỏ muối hoặc bỏ dầu vào các chén nước chống kiến ở chân tủ thức ăn. Không để cho các hốc cây, máng xối đọng nước.

Tổng vệ sinh môi trường, thu gom, hủy bỏ các vật chứa nước không cần thiết (vỏ đồ hộp, vỏ xe cũ, chai lọ, mảnh lu khạp bể, …)

- Diệt muỗi và chống muỗi đốt: Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo lung tung để giảm bớt chỗ cư ngụ của muỗi. Cho trẻ mặc áo dài tay. Ngủ màn kể cả ban ngày. Làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà. Dùng nhang trừ muỗi trong những giờ muỗi thường cắn nhất (sáng sớm và chiều tối). Dùng bình xịt muỗi loại nhỏ tại nhà.

P.V (tổng hợp)