Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 34655 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi giai đoạn chuyển mùa (04/04/2016)
Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ, độ ẩm biến động mạnh, làm cho sức đề kháng của gia súc, gia cầm suy giảm. Nếu chăm sóc, nuôi dưỡng không phù hợp, cộng với điều kiện vệ sinh kém sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút phát triển và gây bệnh cho đàn vật nuôi. Vì vậy, để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp như sau:
1. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng
- Thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp với giống, lứa tuổi, mục đích sản xuất và giai đoạn phát triển của từng loài vật nuôi.
- Cho ăn các loại thức ăn có chất lượng tốt, tuyệt đối không sử dụng thức ăn bị ôi thiu, nấm mốc. Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống. Cung cấp đầy đủ nước uống sạch cho gia súc, gia cầm.
- Gia cố, tu sửa chuồng trại, đảm bảo tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp với thời tiết của địa phương.
2. Thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh
- Thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh cơ giới như: Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu dọn phân rác, chất độn chuồng, giữ cho nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ; cọ rửa, vệ sinh máng ăn, máng uống 2 lần/ngày, vệ sinh phương tiện vận chuyển trước và sau khi sử dụng. Định kỳ có các biện pháp diệt động vật gặm nhấm và côn trùng gây hại.
- Tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển 1 - 2 lần/tuần.
* Lưu ý: Cần phun thuốc thấm đẫm toàn bộ bề mặt, rồi để tự khô, khi phun cần chú ý nguyên tắc phun từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài để tăng hiệu quả khử trùng. Một số loại hóa chất sát trùng người chăn nuôi có thể sử dụng như Iodine 10%, Benkocid, Virkon,...
- Chất thải trong chăn nuôi phải được xử lý, đảm bảo vệ sinh thú y và theo quy định của phát luật về bảo vệ môi trường, tránh tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.
3. Chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin
- Tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin.
+ Đối với trâu, bò, dê: Cần tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng.
+ Đối với lợn: Tiêm phòng vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu, tai xanh và lở mồm long móng ...
+ Đối với gia cầm: Vịt, ngan cần tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt, viêm gan do vi rút, cúm gia cầm, tụ huyết trùng…Gà cần tiêm phòng vắc xin Niu cát xơn, gumboro, cúm gia cầm, tụ huyết trùng…
4. Thường xuyên theo dõi, giám sát đàn vật nuôi
- Nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Con giống mới nhập về cần được nuôi cách ly trước khi nhập đàn từ 15 - 30 ngày.
- Trong quá trình nuôi, cần theo dõi tình trạng sức khỏe của con vật, nếu khỏe mạnh thì đưa vào khu vực nuôi chính, nếu có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh cần tiếp tục nuôi cách ly và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để lây lan mầm bệnh sang các khu vực khác của trang trại. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi, giám sát đàn vật nuôi để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường của con vật, nhằm chẩn đoán đúng bệnh, cách ly, chăm sóc và có phương án xử lý kịp thời.
5. Tăng cường công tác quản lý trong trang trại chăn nuôi
- Các trang trại chăn nuôi cần có các phương án quản lý phù hợp như: Lên lịch tiêm phòng vắc xin, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, xuất - nhập động vật, thức ăn, vắc xin, thuốc thú y phù hợp.
- Cần có sổ sách theo dõi, ghi chép cụ thể về mọi diễn biến của quá trình chăn nuôi.
- Đặc biệt chú ý tình hình xuất, nhập, hạn sử dụng của các loại thức ăn, vắc xin, thuốc thú y, có biện pháp sắp xếp, luân chuyển trong kho chứa phù hợp để tránh tình trạng sử dụng sản phẩm hết hạn sử dụng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi.
6. Báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời
- Khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, UBND cấp xã hoặc Trạm thú y cấp huyện để được hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
- Thực hiện tốt “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh: Không giấu dịch; Không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; Không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh; Không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; Không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh. Đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh của pháp luật về thú y.
- Để công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, nhất là vào thời điểm giao mùa, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp nêu trên, đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khác tăng cường chấp hành các quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về bảo vệ môi trường để ổn định tình hình dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất chăn nuôi của địa phương phát triển.
Nguồn: Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)