Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 69690 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết (29/10/2013)
UBND thành phố vừa có Công văn số 7572/UBND-VX ngày 15/10/2013 chỉ đạo các ngành chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để dịch phát sinh và lan rộng.
Theo thông báo của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên phạm vi cả nước có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Tại Hải Phòng, tính đến đầu tháng 10, ghi nhận 115 trường hợp mắc. Các quận, huyện: Cát Hải, Hồng Bàng, Lê Chân có số mắc cao liên tục trong những ngày gần đây.
Với tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, nên ngoài nỗ lực của ngành y tế, chính quyền địa phương thì người dân chủ động phòng chống bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virut mang sang đốt người lành mang bệnh. Trong những năm gần đây bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây thành dịch lớn làm nhiều người mắc cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị, giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu đến muộn có thể dẫn đến sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tay tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong cao, đặc biệt là trẻ em.
Người mắc bệnh thường có các dấu hiệu: ở thể nhẹ, người bệnh thường sốt cao đột ngột trên 38 độ C, kéo dài trong 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi; thể nặng bao gồm các dấu hiệu trên và kèm theo như: Dấu hiệu xuất huyết (chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng.
Khi người bệnh bị sốt cao, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Tránh cạo gió, cắt lể vì những cách này gây đau, chảy máu, nhiễm trùng. Khi người bệnh sốt cao chỉ dùng paracetamol để hạ sốt.
Nên cho người bệnh uống nhiều nước (cam, chanh, oresol, nước chín nguội), ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi và theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh. Các dấu hiệu trở nặng của bệnh gồm: Nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu. Khi người bệnh hết sốt nếu có một trong các dấu hiệu trên phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà lây bệnh qua đường muỗi vằn đốt. Do đó, để phòng tránh bệnh nguy hiểm này, người dân cần: Phát quang bụi rậm không cho muỗi trú ẩn; đậy kín lu, hồ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng; chà rửa, thay nước mỗi tuần; dùng vợt hớt loại bỏ lăng quăng; thay nước bình hoa hằng ngày; dọn dẹp gọn gàng nhà ở không cho muỗi trú trong nhà; loại bỏ các đồ dùng hỏng chứa nước mưa mà muỗi có thể đẻ trứng như lon đồ hộp, vỏ xe, can nhựa hỏng…; thả cá 7 màu vào các dụng cụ chứa nước để cá ăn loăng quăng. Không có loăng quăng, không có muỗi vằn sẽ không có bệnh sốt xuất huyết vì không có vật trung gian truyền bệnh… Khi ngủ, người dân cũng phải ngủ màn kể cả ban ngày.
Bên cạnh đó, một số biện pháp hóa học cũng cần được áp dụng, như: Sử dụng thuốc diệt muỗi phun ở những khu vực ngoài trời rộng lớn hoặc trong nhà ở, khi mọi người đi vắng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc diệt muỗi hiện vẫn đang gây tranh cãi, vì nó không những tiêu diệt muỗi mà còn tiêu diệt các sinh vật ăn muỗi, làm mất cân bằng sinh thái. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng xịt chống muỗi. Cụ thể, bạn cần trang bị sẵn trong gia đình các chai xịt chống muỗi để ngăn ngừa và xua đuổi muỗi.
Nguồn: P.V (tổng hợp)
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)