Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 71060 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Tập trung sản xuất lúa vụ mùa và gieo trồng cây vụ Đông (07/10/2013)
Đến nay, lúa mùa muộn đã cơ bản trỗ xong, trà mùa sớm đã thu hoạch một phần. Sâu bệnh cuối vụ có nhiều khả năng diễn biến phức tạp, đặc biệt là rầy nâu. Để tập trung chăm sóc, bảo vệ sản xuất lúa vụ Mùa và vụ Đông năm 2013, bà con cần thực hiện tốt các công việc sau:
Với lúa vụ Mùa
- Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch diện tích lúa chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm tránh ảnh hưởng mưa bão và giải phóng đất trồng cây vụ Đông trong khung thời vụ tốt nhất.
- Theo dõi sát sao phòng trừ sâu bệnh cuối vụ, tự kiểm tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật (đặc biệt là rầy nâu).
- Đối với những diện tích lúa đã trỗ bông xong vào chắc, cần thực hiện tiêu thoát nước triệt để trên mặt ruộng và hệ thống nước đệm trên các kênh mương đề phòng mưa lớn gây ngập úng diện tích lúa chưa thu hoạch. Những vùng trồng cây vụ Đông cần điều tiết nước hợp lý, để cung cấp đủ nước cho cây rau, màu sinh trưởng và phát triển tốt.
Với cây vụ Đông
- Đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ Đông sớm, thực hiện “sáng lúa, chiều rau màu”, hướng dẫn nông dân làm bầu cây con để tranh thủ thời vụ, tăng diện tích trồng các loại cây có điều kiện để mở rộng diện tích như: ngô, khoai lang, bí xanh, bí đỏ…
- Mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây ưa lạnh: khoai tây, cà chua, bắp cải, su hào, súp lơ, cải các loại, hoa…
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh: làm đất tối thiểu, làm bầu cây con (cây ngô, ớt , cà chua,…) để chủ động thời vụ; tăng cường sử dụng màng phủ nông nghiệp cho các loại cây trồng như dưa, rau; sản xuất rau, hoa áp dụng công nghệ cao trong nhà lưới hoặc nhà có mái che; các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau màu: bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân NPK, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học…; các giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm.
+ Cây ngô trên đất 2 lúa cần áp dụng kỹ thuật làm ngô bầu; đối với ngô nếp, ngô rau trồng trước 15/10/2013; nơi chủ động tưới tiêu hoặc đối với ngô nếp, ngô ngọt áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, kỹ thuật gieo thẳng hạt hoặc đặt bầu cây ngô xuống gốc rạ; bón phân sớm đủ lượng và cân đối.
+ Cây khoai lang trồng trước 10/10/2013; chọn giống khoai lang ăn củ chất lượng cao hoặc khoai lang ăn lá; bón phân sớm, đủ lượng, cân đối.
+ Cây bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt cần áp dụng kỹ thuật làm bầu, trồng gối bằng cách rẽ hàng lúa để đặt bầu cây (bí, dưa chuột) trước khi thu hoạch lúa, ươm bầu cây con (cây ớt) không qua thời gian bén rễ, hồi xanh.
+ Cây khoai tây: thời vụ tốt nhất trồng từ 25/10 – 20/11/2013, chủ động chuẩn bị nguồn giống tốt đảm bảo chất lượng, không trồng quá muộn cây khoai tây sinh trưởng kém do nhiệt độ quá thấp, thiếu ánh sáng, mưa phùn và thu hoạch non để gieo cấy lúa vụ Xuân sẽ giảm năng suất, chất lượng; khuyến khích áp dụng kỹ thuật trồng khoai tây làm đất tối thiểu kết hợp với dùng rơm rạ phủ; bón phân sớm, đầy đủ, cân đối.
+ Cây rau đậu, hoa các loại cần đa dạng hóa chủng loại giống; trồng rải nhiều vụ nhiều trà phù hợp nhu cầu thị trường, tránh dồn ứ thừa làm rớt giá, giảm hiệu quả kinh tế.
- Phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh, chú ý bệnh lở cổ rễ, bệnh sương mai, sâu xám, sâu khoang, rầy, rệp, sâu đục quả… giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời để hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ có hiệu quả cao.
- Chủ động tiếp nhận và cung ứng kịp thời và đầy đủ giống cây trồng, phân bón… với chất lượng tốt nhất phục vụ sản xuất vụ Đông.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)