Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 18853 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Thâm canh mạ xuân muộn (06/02/2017)
Trà lúa xuân muộn ở miền Bắc đa số là các giống ngắn ngày (thời gian sinh trưởng khoảng 125-135 ngày) và thường gieo cấy sau tiết lập xuân. Vì vậy giai đoạn hạt thóc nảy mầm đến khi mạ ra ruộng cấy nằm trọn trong thời tiết giá lạnh thậm chí rét buốt của mùa đông. Gieo mạ tulen nền khô và tulen trên ruộng để cấy mạ non đang ngày càng phổ biến vì những ưu điểm nổi trội. Bà con cần chú ý một số khâu kỹ thuật như sau:
- Xử lý và ngâm ủ thóc: Tốt nhất trước khi ngâm ủ bà con cần xử lý mầm bệnh trên vỏ trấu bằng dung dịch nước muối 10-15% trong vòng 15-20 phút rồi rửa và ngâm ủ thóc. Hạt thóc muốn nảy mầm tốt đòi hỏi phải có đủ nhiệt độ, ẩm độ và oxy. Nếu 1 trong 3 yếu tố này dù thiếu hay thừa cũng đều không tốt. Vì vậy khi ngâm và ủ thóc giống vụ xuân cần lưu ý ngâm cho đủ nước (hạt thóc bão hòa nước hay no nước). Nên bỏ cách làm truyền thống “2 nước 2 cạn vừa ngâm vừa ủ” vì hạt thóc dễ bị sốc nhiệt và nảy mầm không đồng đều. Thời gian ngâm dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiệt độ nước và thời tiết, độ dày mỏng của vỏ trấu. Do đó để hạt thóc nhanh trương nước bà con cần dùng nước ấm (3 sôi 2 lạnh) để ngâm thóc trong các vật dụng giữ nhiệt. Lượng nước đổ vào thóc ngâm cũng cần phải đủ bằng 3 phần lượng thóc đồng thời thay nước để giảm axit chua với thời lượng 24h/lần. Hạt thóc đủ tiêu chuẩn đem ủ là hạt thóc no nước (vỏ trấu vàng trong nhìn rõ được phôi trắng trong hạt, mép hạt hơi sưng…).
Khi đã ngâm no nước cho thóc bà con cần rửa sạch và để ráo thóc rồi mới đem ủ. Vì nhiệt độ không khí tương đối thấp nên lúa giống cần được ủ cẩn thận để giữ nhiệt tỏa ra, lô thóc giống vì thế sẽ nảy mầm nhanh và đồng đều. Sử dụng bao vải bông thấm nước, vắt kỹ đổ lúa giống đã ngâm vào bao, để bao lúa giống vào nơi kín gió đệm và phủ cẩn thận bằng bao tải ẩm hoặc rơm ẩm đảm bảo được nhiệt độ trong lô thóc khoảng 30-32°C. Sau khoảng 28-30h sẽ có lô mộng đạt yêu cầu để gieo (mầm vừa nhú, rễ dài bằng ½ hạt thóc).
- Làm mạ tulen nền khô: Vụ xuân phương thức cấy lúa bằng mạ tulen nền cứng được ưu tiên hơn vì những ưu điểm: Mạ được chống rét, cấy ít rảnh dễ dàng, rễ mạ được bảo tồn nên nhanh bén rễ sau khi cấy, mạ lên nhanh và ít phải chăm sóc… Thời điểm gieo mạ tulen nền khô lấy ngày cấy làm chuẩn và lùi lại khoảng 12-15 ngày. Lượng thóc cần cấy cho 1 sào Bắc bộ khoảng 1-1,5kg tùy theo giống hạt nhỏ hay hạt to, lúa lai hay lúa thuần. Diện tích làm nền gieo mạ cần khoảng 2,5-3m² để cấy cho 1 sào. Tốt nhất nên chọn nền đất khô sẽ tốt cho mạ hơn nhiều là nền sân gạch hay xi măng.
- Giá thể đem gieo (nếu cấy bằng tay): gồm 0,5m³ bùn ao đã “hả hơi” + 3-4 kg NPK (5:10:3)+15kg phân chuồng mục san phẳng được khoảng 12m² dày 3-4cm đủ cấy cho 4-5 sào lúa (để lại khoảng 1/5 lượng bùn để tưới phủ hạt sau này). Nếu không tận dụng được nền đất khô nông dân có thể tạo 1 nền đất ẩm bằng phẳng trên sân gạch dày khoảng 2-3cm rồi rải lá chuối hoặc vỏ bao xi măng lên trên làm nền đất gieo mạ.
- Nếu cấy bằng công cụ thủ công: Theo kinh nghiệm đã rút ra từ nhiều nông dân áp dụng công cụ thủ công để cấy lúa mạ nền thì giá thể gieo mạ tốt nhất gồm 8 phần bùn 2 phần trấu hun hoặc trấu mục +1 lạng NPK (5:10:3) trộn đều cán mỏng dày khoảng 1-1,5cm rộng 3m² cấy cho 1 sào (trấu hun phải được hun trước đó 10 ngày).
- Làm khung (tulen): Có thể dùng thép hoặc tre nứa uốn khung rồi phủ ni lông trắng trong để che mạ. Khung che mạ tối thiểu cao 40-50cm, xung quanh được chèn gạch kín. Khi mạ ngồi mống cần hòa loãng bùn tưới phủ kín hạt rồi che chắn ngay. Trường hợp sau khi gieo trời nắng to thì ban ngày mở hai đầu khung che, ban đêm đóng lại. Nếu nhiệt độ trung bình trên 25 độ C thì không cần phải phủ ni lông...
* Lưu ý: Thường xuyên theo dõi và dưỡng ẩm cho mạ tránh để nước thừa trong luống nhất là ban đêm. Nếu phát hiện cây mạ có triệu chứng lở cổ rễ cần khẩn trương phun thuốc vailidacin đẫm 1 lượt để trừ bệnh. Trong thời gian mạ trong khung tulen nếu thời tiết giá rét mạ khó phát triển nông dân có thể hòa kali trắng + siêu vi lượng phun định kì cho mạ 1 tuần/lần kể từ lúc mạ có 1,5 lá. Làm được vậy mạ sẽ đanh dảnh, phát triển nhanh hơn và chống rét tốt lại hạn chế được hiện tượng chết chòm trong luống mạ gieo. Mạ tulen nền khô cấy khi đạt 2,5 lá (khoảng 12-15 ngày sau gieo). Nông dân cần huấn luyện để mạ quen thời tiết bên ngoài bằng cách hạn chế tưới, mở 2 đầu tulen ra trước 2 ngày, hôm sau bỏ hẳn lớp che để thêm 1 ngày nữa thì mang đi cấy.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)