Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7585
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Tình hình sâu bệnh hại lúa cuối vụ và biện pháp phòng trừ (14/09/2021)

Theo số liệu tổng hợp khuyến nông từ các địa phương, hiện nay lúa trà sớm đang trỗ - chín sữa, trà trung làm đòng, trà muộn cuối đẻ nhánh. Thời tiết nắng mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho một số sâu bệnh phát sinh, lây lan và gây hại. Bà con cần chú ý tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, cụ thể như sau:

1. Tình hình sinh vật hại:

- Sâu đục thân: Tỷ lệ hại trung bình 1-2% dảnh, cao 5-10%. Sâu non lứa 4 tiếp tục gây bạc bông trên trà sớm và trà trung từ cuối thắng 8 đến đầu tháng 9. Trưởng thành lứa 5 sẽ vũ hóa và đẻ trứng trên trà trung và trà muộn, sâu non gây bạc bông trên các diện tích trỗ sau 10/9.

- Bệnh khô vằn: Tỷ lệ hại trung bình ở mức 10-20% số dảnh, cao ở mức 25-30% số dảnh, cấp 1-3, cục bộ trên 40% số dảnh, cấp 5. Bệnh tiếp tục gây hại từ nay đến cuối vụ.

- Bệnh bạc lá: Tỷ lệ hại trung bình 5-10% lá, cao 20-25% lá, cục bộ 35-40% lá, cấp 1-3. Bệnh tiếp tục gây hại sau các đợt mưa giông.

- Bệnh đốm sọc vi khuẩn: Tỷ lệ hại trung bình 10-15% lá, cao 25-30% lá, cục bộ  trên 40% lá, cấp 1-3..

- Ngoài ra chuột, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đen lép hạt, bọ rầy,… hại nhẹ.

2. Biện pháp phòng trừ:

Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại trà lúa, giống lúa và xác định mật độ sâu, tỷ lệ bệnh trên từng trà lúa tại địa phương để chủ động các biện pháp phòng trừ kịp thời.

- Đối với sâu đục thân hai chấm: Chú ý những diện tích lúa trỗ sớm nhất vùng đến cuối tháng 8, lúa trà muộn trỗ sau 10/9, những diện tích gần ánh sáng đèn,… Tổ chức phun phòng trừ khi lúa bắt đầu trỗ ở những diện tích có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2  trở lên bằng các loại thuốc có chứa hoạt chất Chlorantraniliprole, Cartap,… như Prevathon 35WG, Sapen-Alpha 5EC, Vifast 5EC, Patox 95SP, Gà nòi 95SP,…

- Đối với bệnh khô vằn: Phun phòng trừ những diện tích có tỷ lệ bệnh trên 20% số dảnh bằng một trong các loại thuốc chứa hoạt chất Propiconazole, Hexaconazole, Difenoconazole,… như Nevo 330EC, Tilt super 300EC, Newsuper 330EC, Superone 300EC, Annongvin 50SC,…

- Đối với bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn: Chú ý những diện tích bón thừa đạm, giống nhiễm nặng như Bắc thơm số 7, nhóm giống TBR,… những diện tích lúa đã bị bệnh cần giữ nước thường xuyên trên ruộng để tăng khả năng chống chịu của cây; phun phòng trừ khi bệnh mới xuất hiện hoặc ngay sau khi mưa giông kết thúc bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Bismerthiazol, Copper Oxychloride, Streptomycin,… (Xanthomix 20WP, Sieusieu 250WP, Batocide 12WP, Reward 775WP,…) hoặc rắc 15 – 20kg vôi bột/sào vào sáng sớm, chiều mát.

- Bà con cần chú ý nồng độ, liều lượng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì, nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát./.

Vũ Đắc Việt tổng hợp